Ba lưu ý để tránh rủi ro pháp lý khi cho vay tiền
Dù rất muốn giúp nhưng số tiền lớn, anh lo nếu tính lãi cao, khi có vấn đề pháp lý sẽ có thể bị quy kết "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Mặt khác, anh cũng lo ngại người vay có thể "ôm tiền chạy mất".
Để hạn chế những rủi ro không đáng có, luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội cho rằng cần lưu ý 3 điều sau:
Thứ nhất: Phải lập hợp đồng vay bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực.
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, theo Bộ luật Dân sự. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Dù pháp luật không quy định hợp đồng vay phải được lập thành văn bản nhưng để đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của các bên, hợp đồng nên được lập thành văn bản. Hợp đồng nên được công chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay; trong đó nêu nội dung rõ ràng về thông tin người vay, người cho vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn trả... và có đầy đủ chữ ký của hai bên.
Thứ hai: Cho vay với lãi suất đúng quy định
Theo điều 468 Bộ luật dân sự 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức vượt quá không có hiệu lực.
Nếu lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, người cho vay có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt tù đến 03 năm.
Như vậy, khi cho vay có thỏa thuận về lãi suất, người cho vay cần chú ý lãi suất cho vay không vượt quá 20%/năm.
Ngoài ra, để hợp đồng vay tiền có hiệu lực pháp lý, các bên phải đáp ứng các điều kiện như: có năng lực pháp luật dân sự phù hợp; hoàn toàn tự nguyện thực hiện giao dịch cho vay; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội...
Thứ ba: Nên có tài sản bảo đảm cho khoản vay
Để tránh trường hợp đến thời hạn trả nợ mà người vay cố tình trây ì, không chịu trả nợ thì khi cho vay (thường là những khoản tiền lớn), người cho vay nên yêu cầu người vay phải cầm cố, thế chấp tài sản có giá trị thuộc quyền sở hữu của họ để bảo đảm cho khoản vay.
Những tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng (như ôtô, xe máy hoặc quyền sử dụng đất), hai bên cần phải lập hợp đồng thế chấp và công chứng hợp đồng thế chấp.
Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về việc thi hành Bộ luật Dân sự về nghĩa vụ bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021 đã cho phép người dân được nhận thế chấp quyền sử dụng đất thay vì chỉ có tổ chức tín dụng như trước đây.
Tuy nhiên, người nhận thế chấp là cá nhân phải lưu ý tới các quy định về công chứng, đăng ký thế chấp. Khi công chứng, các bên sẽ được công chứng viên tư vấn, kiểm tra về các điều kiện để thế chấp quyền sử dụng như đất không tranh chấp, đã được cấp giấy chứng nhận hay quyền sử dụng đất vẫn còn thời hạn cũng như hướng dẫn các thủ tục đăng ký tài sản thế chấp...