CSGT không cần lập biên bản trong trường hợp nào?
Cụ thể, cử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong 2 trường hợp: xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức. Trong cả hai trường hợp, quy định được áp dụng khi người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Điều 56 cũng nêu ngoại lệ: Nếu vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Theo điều luật trên, luật sư Hải cho hay dù mức phạt dưới 250.000 đồng (cá nhân) mà vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ thì vẫn phải lập biên bản. Với trường hợp phát hiện vi phạm tại chỗ mà mức phạt dưới 250.000 đồng thì không cần lập biên bản.
"Dù không cần biên bản, người có thẩm quyền (trường hợp này là cảnh sát giao thông) vẫn phải ra quyết định xử phạt tại chỗ làm căn cứ cho người vi phạm nộp phạt", luật sư Hải nhấn mạnh.
Quyết định xử phạt tại chỗ phải đầy đủ các thông tin: Ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng.
Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt (khoản 2 điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Với các trường hợp cần lập biên bản: Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất hai bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, khi lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính (căn cứ Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
Về thời hạn chậm nhất cần nộp phạt
Luật sư Hải nêu, nếu mức phạt dưới 250.000 đồng, bạn Tú có thể nộp phạt trực tiếp tại chỗ và nhận biên lai xử phạt. Nếu không đủ tiền mặt nộp tại chỗ thì bạn cầm biên bản xử phạt và quyết định ra về, những ngày sau có thể chọn một trong 3 hình thức nộp phạt sau:
- Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt.
- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Nộp tiền vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt, cơ quan xử lý sẽ gửi lại cho bạn các giấy tờ đang thu giữ, biên lai thu tiền phạt qua đường bưu điện (quy định tại Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông được quy định tại Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020.
- Nộp tiền phạt nhiều lần: Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
- Xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
- Nếu không rơi vào các trường hợp trên, thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Luật sư Hải lưu ý quá thời hạn trên mà người vi phạm không nộp phạt sẽ phải chịu lãi suất trên tổng số tiền chậm nộp là 0,05%/số ngày chậm nộp (Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020).