Phân biệt giấy phép lái xe hạng B1 và B2
Theo thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải, giấy phép lái xe hạng B gồm ba loại: B1 số tự động, B1, và B2.
Người có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động và B1 không được hành nghề lái xe. Ngược lại, giấy phép lái xe hạng B2 không có hạn chế này.
Giấy phép hạng B1 số tự động chỉ cho phép điều khiển xe số tự động, bao gồm ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô tải có tải trọng dưới 3.500 kg và ôtô dùng cho người khuyết tật.
Giấy phép lái xe hạng B1 cho phép lái cả xe số tự động và số sàn, bao gồm cả các phương tiện như hạng B1 số tự động nêu trên và xe kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
Giấy phép lái xe hạng B1 hết hạn khi người lái xe đủ 55 tuổi với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Nếu khi cấp bằng, tài xế nam trên 55 tuổi và tài xế nữ dưới 45 tuổi, thời hạn là 10 năm.
Giấy phép lái xe hạng B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Theo điều 13 của Thông tư, thời gian đào tạo hạng B1 số tự động cần đạt 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340), trong khi số giờ đào tạo hạng B1 (số tự động và số sàn) là 556 (lý thuyết: 136 giờ, thực hành lái xe: 420).
Đối với bằng hạng B2, thời gian đào tạo là 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420).