Lương tối thiểu của người "đã được đào tạo" sẽ tăng từ 1/7?
Tuy nhiên, kể từ 1/7, Nghị định 90/2019 sẽ hết hiệu lực, thay vào đó là áp dụng quy định mới tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Tại Nghị định 38/2022, Chính phủ không còn quy định "đối với công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì tiền lương phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng".
Theo khoản 1 điều 4 Nghị định 38/2022, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Căn cứ khoản 1 điều 3 Nghị định 38/2022, mức lương tối thiểu tháng lần lượt của Vùng I, II, III, IV là 4.680.000 đồng, 4.160.000 đồng, 3.640.000 đồng, 3.250.000 đồng.
Như vậy, kể từ ngày 1/7, không còn bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề nói chung; người tốt nghiệp đại học, cao đẳng nói riêng (chỉ bắt buộc người sử dụng lao động trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng nêu trên).
Lưu ý, theo khoản 3 điều 5 Nghị định 38/2022, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022 thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.