5 lưu ý khi bắt cướp để không vướng vòng lao lý?
Người chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại (phạm tội) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trên thực tế, việc đánh giá, xác định có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không sẽ không đơn giản bởi hành vi tội phạm xảy ra thường bất ngờ. Những người chứng kiến hoàn toàn bị động nhưng tình thế lại đòi hỏi việc chống trả phải tức thì, ngay lập tức. Do đó, trong khoảng thời gian rất ngắn đó, bạn rất khó để bình tĩnh suy nghĩ, lựa chọn xem hình thức, phương thức chống trả như thế nào để phù hợp với pháp luật, không vượt quá giới hạn cho phép.
"Trong một số ít trường hợp, việc xác định thế nào là cần thiết, giới hạn của sự cần thiết đến đâu là rất khó khăn, ranh giới giữa cần thiết và quá mức cần thiết là rất mong manh", luật sư Vinh nêu quan điểm.
Thứ hai, việc chống trả kẻ phạm tội là một hành động dũng cảm nhưng cũng rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân người chống trả cũng như của những người xung quanh thậm chí là chính nạn nhân. Kẻ phạm tội là bên chủ động, thường có hung khí và rất manh động, quyết liệt để thoát thân. Do vậy, việc chống trả thế nào để không bị thương tích hoặc nếu có thì cũng ở mức thấp nhất có thể là không đơn giản.
Thứ ba, thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy có tình trạng sau khi bắt được tội phạm thì người dân vẫn tiếp tục đánh, thậm chí đánh hội đồng, điển hình là nhiều vụ dân làng vây bắt người trộm chó.
Luật sư Vinh nhận định, nếu kẻ phạm tội đã bị khuất phục, không thể gây nguy hiểm thêm nữa, việc người dân tiếp tục tấn công sẽ không còn cần thiết. Những hành động bạo lực lúc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng.
Thứ tư, sau khi bắt được kẻ phạm tội, bạn cần báo ngay cho cơ quan pháp luật hoặc dẫn giải kẻ phạm tội (có thể trói tay, chân) đến cơ quan nhà nước gần nhất. Người dân không được đưa kẻ phạm tội về nhà riêng để giam giữ, uy hiếp.
Thứ năm, đồng thời với việc bắt giữ kẻ phạm tội, người dân cũng cần bảo vệ các vật chứng cần thiết, để sau này có căn cứ giải quyết. Đặc biệt, người dân không được hủy hoại hoặc chiếm đoạt phương tiện, tài sản của kẻ phạm tội mà phải giao nộp cho cơ quan pháp luật.