Bị đồng nghiệp cũ nói xấu trên Facebook
Pháp luật có chế tài đối với những cá nhân có bài viết, bình luận hoặc lời nói trực tiếp trên mạng xã hội gây xúc phạm đến một cá nhân cụ thể. Đối với trường hợp của chị, khi thấy hành vi của đồng nghiệp cũ đã trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, chị có thể tố giác đến cơ quan công an nơi chị sinh sống, theo quy định tại Điều 144 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.
Hình thức tố giác có thể bằng lời nói (làm việc trực tiếp với cán bộ tại trụ sở công an), hoặc bằng văn bản (thông qua việc gửi đơn tố giác), kèm theo bằng chứng là các hình ảnh ghi nhận bài đăng trên Facebook của đồng nghiệp cũ.
Tùy vào mức độ, hậu quả của hành vi, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý theo quy định của pháp luật:
- Xử phạt hành chính: căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... quy định: hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có quy định rất rõ về các mức phạt đối với những vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp. Trong đó, phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Xử lý hình sự: hành vi nói xấu, lăng mạ... người khác trên mạng xã hội còn có thể phạm tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy theo mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 2 năm.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015, thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm này khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại. Tức là, chỉ khi chị (người bị hại) hoặc người đại diện của bị hại có yêu cầu, thì các hành vi nêu trên mới được khởi tố hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành.