Có được xem là tái phạm hành chính không?
Khoản 3 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính”.
Điểm a khoản 2 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm các hình thức xử phạt như hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Một quyết định xử phạt vi phạm hành chính được coi là đã được thi hành xong khi đối tượng vi phạm đã chấp hành xong tất cả các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.
2. Khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý”.
Khoản 1 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.
heo các quy định nêu trên, tái phạm là việc đối tượng vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý. Hay nói cách khác, đối với trường hợp đã chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc đã hết thời hiệu thi hành quyết định này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý thì mới xem xét đến tình tiết tái phạm. Còn đối với hành vi vi phạm hành chính đã bị ra quyết định xử phạt, nhưng đối tượng vi phạm chưa thi hành và hoặc đang thi hành quyết định xử phạt mà tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó thì không được coi là tái phạm hành chính vì chưa thi hành xong quyết định xử phạt.
3. Đối chiếu với trường hợp đã nêu, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính “không xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền” và đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình mà trong thời gian chưa thi hành quyết định xử phạt hành chính, cá nhân này lại tiếp tục thực hiện hành vi “không xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền” thì không được coi là tái phạm hành chính.