Giấu tội cho con vì thương, cha mẹ liên đới thế nào?
Theo khoản 3 Điều 4 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Bên cạnh đó, pháp luật khuyến khích mọi công dân tham gia, giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Theo Điều 314 Bộ luật Hình sự, người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này (như các tội Xâm phạm an ninh quốc gia, Giết người, Cướp tài sản, Mua bán trẻ em…) đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm.
Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều 314 Bộ luật Hình sự.
Quy định nói trên đòi hỏi chủ thể phải “biết rõ” tội phạm “đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện” thì hành vi không tố giác mới cấu thành tội phạm. Nếu chủ thể không “biết rõ”, họ không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm. Việc chứng minh chủ thể có “biết rõ” hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Với quy định nói trên, chỉ người nào phát hiện đối tượng bị truy nã nhưng đồng thời họ cũng biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, để ngăn chặn người bị truy nã tiếp tục phạm tội hoặc lẩn trốn, khi phát hiện đối tượng bị truy nã, mọi công dân nên trình báo cơ quan công an càng sớm càng tốt. Sau khi tiếp nhận trình báo, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người trình báo cũng như những người thân thích của họ.