Không được công khai danh tính người tố cáo
Theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo với vụ việc phức tạp có thể gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày. Với vụ việc đặc biệt phức tạp có thể gia hạn hai lần nhưng mỗi lần không quá 30 ngày.
Nghị định giải thích vụ việc phức tạp là một nội dung tố cáo song phải xác minh từ hai địa điểm trở lên hoặc tố cáo có từ hai nội dung phải xác minh trở lên; nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người; tố cáo có yếu tố nước ngoài...
Vụ việc đặc biệt phức tạp là khi có hai tiêu chí trở lên cùng lúc phải xác minh từ hai địa điểm trở lên và tố cáo có từ hai nội dung phải xác minh trở lên...
Theo điều 6 nghị định này, căn cứ tình hình thực tế, tính chất vụ việc, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo,... kết luận nội dung tố cáo phải được công khai (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và thông tin về người tố cáo). Việc công khai kết luật thực hiện bằng một số hình thức sau:
- Công bố tại cuộc họp ở cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác hoặc ở cơ quan, tổ chức của người giải quyết tố cáo,...
- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo. Thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục.
- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của cơ quan đã giải quyết tố cáo ít nhất 15 ngày liên tục.
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và cổng thông tin điện tử. Việc thông báo trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện ít nhất 2 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.
Ngoài ra, người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi người giải quyết ra kết luận nội dung. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người rút đơn thì từng người rút tố cáo thực hiện việc rút theo quy định. Trường hợp mọi người đều rút tố cáo thì người đại diện thực hiện việc rút bằng văn bản.
Khi người tố cáo rút đơn mà người giải quyết xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết theo quy định.
Điều 7 quy định khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét, đánh giá và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền theo điều 52. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì đề nghị cơ quan khác áp dụng biện pháp bảo vệ.
Trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ngay, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.