Hộ chiếu gắn chip điện tử là gì?
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Có cần thiết phải đổi từ hộ chiếu thông thường sang hộ chiếu gắn chip điện tử hay không?
Cơ quan công an cho biết, hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Lợi ích của hộ chiếu gắn chip điện tử
Với việc tích hợp chip điện tử, thông tin của người mang hộ chiếu được mã hóa và được lưu trữ an toàn, không bị đánh cắp hay bị làm giả. Bên cạnh đó, hộ chiếu gắn chip điện tử cũng có chữ ký số của người cấp, giúp xác thực tính hợp lệ của hộ chiếu và đảm bảo an toàn cho chủ sở hữu của nó.
Một trong những lợi ích lớn nhất của hộ chiếu gắn chip điện tử là tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các quốc gia. Nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu điện tử tại các cửa khẩu quốc tế. Điều này đảm bảo rằng người mang hộ chiếu có thể dễ dàng và nhanh chóng xuất nhập cảnh mà không cần phải trải qua quá nhiều thủ tục phức tạp.
Hộ chiếu gắn chip điện tử cũng được ưu tiên trong việc xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc du lịch hoặc kinh doanh đối với những quốc gia yêu cầu thị thực nhập cảnh. Ví dụ, chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ được áp dụng cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với điều kiện người nhập cảnh phải có hộ chiếu điện tử.
Không những vậy, hộ chiếu gắn chip điện tử còn đảm bảo tính bảo mật cao cho thông tin cá nhân của chủ sở hữu. Chip điện tử rất khó sao chép thông tin và không có việc định vị theo dõi. Điều này đảm bảo rằng người mang hộ chiếu không phải lo lắng về nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân hoặc bị làm giả để hoạt động phi pháp.
Cách đăng ký cấp hộ chiếu gắn chip điện tử ở trong nước (Thực hiện ở cấp tỉnh)
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ
* Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử trực tiếp nộp hồ sơ vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng) hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và gửi bổ sung hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích theo thông báo của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (nếu có), cụ thể:
+ Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
+ Người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
* Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu.
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cấp giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí, cán bộ thu lệ phí thu tiền, giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thanh toán trực tuyến và nhận biên lai điện tử.
+ Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoàn chỉnh hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và nêu rõ lý do.
* Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính và phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
* Thời gian tiếp nhận hồ sơ: từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần và sáng thứ 7 (đối với các đơn vị bố trí tiếp nhận hồ sơ vào sáng thứ 7); trừ ngày Tết, ngày lễ.
Cách đăng ký hộ chiếu gắn chip điện tử trực tuyến
Thủ tục đăng ký hộ chiếu gắn chip trực tuyến khá đơn giản. Người dân chỉ cần có căn cước công dân và SIM điện thoại đăng ký chính chủ. Sau đó, làm theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an tại địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn/.
Bước 2: Đăng nhập và điền đầy đủ thông tin đề nghị cấp hộ chiếu, đăng tải ảnh chân dung.
Bước 3: Lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu. Người dân có thể nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc nhận qua bưu điện.
Bước 4: Thanh toán phí cấp hộ chiếu qua các kênh thanh toán trực tuyến.
Như vậy là toàn bộ thông tin liên quan đến hộ chiếu điện tử gắn chip đã được tổng hợp trong bài viết này. Hy vọng những nội dung trên giúp bạn giải đáp được những thắc mắc của mình cũng như có thêm được hiểu biết về hộ chiếu điện tử gắn chip.
Theo: dichvucong.bocongan.gov.vn