Khái niệm tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (Theo khoản 24, Điều 3, Luật Đất đai 2013).
Theo đó, tranh chấp đất đai là sự mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình sử dụng đất, phát sinh giữa những người sử dụng đất và giữa người sử dụng đất với người quản lý đất. Tranh chấp đất đai thường xuyên xảy ra trong đời sống thường ngày, nhất là những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và nguồn gốc sử dụng đất.
Tranh chấp đất đai có đặc điểm gì?
Về chủ thể của tranh chấp đất đai: Chủ thể của tranh chấp đất đai là những chủ thể có quyền quản lý và chủ thể có quyền sử dụng đất. Ví dụ như tranh chấp giữa người sử dụng đất với cơ quan có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Về nội dung của tranh chấp đất đai: Nội dung của tranh chấp đất đai rất đa dạng và phức tạp, nó là những quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, của chủ thể có thẩm quyền quản lý đất.
Về hậu quả của tranh chấp đất đai: tranh chấp đất đai khi phát sinh sẽ có thể gây ra những hậu quả xấu gây bất ổn về chính trị, phá vỡ mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì việc giải quyết tranh chấp đất đai sẽ đem đến công bằng cho các chủ thể phát sinh tranh chấp.
Xem ngay: 1000 câu hỏi về luật đất đai
Các loại tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay
Những loại tranh chấp đất đai phổ biến thường gặp là:
- Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa các vùng đất, ranh giới liền kề, ngõ đi…
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất có liên quan đến tranh chấp về địa giới hành chính
- Tranh chấp đòi lại đất: thực chất đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ mà do nhiều nguyên nhân khác nhau họ không còn quản lý, sử dụng nữa. Bây giờ những người này đòi lại người đang quản lý, sử dụng dẫn đến tranh chấp: đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại, hoặc tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới…
Cách giải quyết tranh chấp đất đai
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
- Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Xem thêm: Luật sư tư vấn đất đai miễn phí
Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp đặc biệt và phức tạp. Nó đặc biệt ở chỗ đây là tranh chấp về một tài sản đặc biệt mà chúng ta chỉ có quyền sử dụng. Sự phức tạp của tranh chấp đất đai là do nội dung của tranh chấp đất đai rất rộng, để giải quyết nó cần tốn nhiều thời gian và thông qua nhiều bước. Chính vì thế khi có tranh chấp đất đai, nên cần sự tư vấn tranh chấp của luật sư để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mỗi bên xảy ra tranh chấp trước pháp luật.