Hà Nội áp dụng chống dịch theo 3 phân vùng từ 6/9 đến 21/9, siết chặt giãn cách xã hội tại "vùng đỏ" (vùng 1). Mẫu giấy đi đường mới do Công an TP Hà Nội cấp cho các doanh nghiệp, thay thế mẫu giấy cũ hết hiệu lực ngày 5/9, khiến nhiều doanh nghiệp lại gặp khó và bối rối trước quy định này.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, hôm qua đã gửi hồ sơ, danh sách xin cấp giấy đi đường của siêu thị này tới Sở Công Thương Hà Nội. Nhưng bà băn khoăn, hiện vẫn chưa có mẫu khai thống nhất khiến doanh nghiệp lo hồ sơ chưa đạt yêu cầu, phải làm lại sẽ mất thêm thời gian và nhân viên không kịp đi làm.
Theo quy trình để được cấp giấy theo mẫu mới, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thiết yếu sẽ gửi danh sách, hồ sơ đăng ký cấp giấy đi đường tới cơ quan chủ quản (với siêu thị Co.opmart Hà Nội là Sở Công Thương Hà Nội). Sở này sau đó sẽ gửi danh sách của doanh nghiệp qua Phòng Cảnh sát giao thông để xét duyệt, cấp giấy đi đường có mã nhận diện.
Các quy trình này được thực hiện qua email, nhưng giấy đi đường khi được cấp lại được cơ quan công an in, ký và đóng dấu, gửi tới Sở Công Thương để gửi trả cho doanh nghiệp.
Bà Dung cho biết, hôm nay (5/9) vẫn chưa nhận được phản hồi về hồ sơ xin xét duyệt giấy đi đường của doanh nghiệp có được chấp thuận hay không. "Chúng tôi đang chờ, hy vọng cấp có thẩm quyền kịp xem xét cấp duyệt để ngày mai nhân viên có giấy đi làm. Nếu không sẽ rất gay go vì siêu thị không thể đóng cửa ngày nào", bà lo lắng.
Chị Hà, đại diện một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tại Hà Nội cũng cho biết đã liên hệ với công an phường, thì được hướng dẫn nộp giấy tờ, hồ sơ, gồm: giấy đăng ký kinh doanh, danh sách nhân viên với thông tin cá nhân chi tiết (họ tên, địa chỉ nơi ở, mã số thuế cá nhân...), điểm đi - đến của từng nhân viên... Sau khi gửi, chị vẫn đang chờ thêm phản hồi và hướng dẫn.
"Công ty có bộ phận làm dịch vụ xuất nhập khẩu, việc cấp C/O hiện vẫn chưa trực tuyến hoàn toàn nên cần cán bộ phụ trách trực tiếp tới cơ quan quản lý để hoàn thiện thủ tục. Không có giấy đi đường thì mọi hoạt động của công ty ngưng trệ hết", chị nói.
Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, trong các nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường lần này chỉ nêu những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công, công ích, còn các nhóm lĩnh vực sản xuất khác không nhắc tới.
Anh Việt - trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng tại Thanh Trì băn khoăn, không rõ doanh nghiệp anh có thuộc nhóm thiết yếu hay không, hay thuộc nhóm doanh nghiệp nào theo thông báo của công an Hà Nội. Anh liên hệ hỏi phường, ban quản lý khu công nghiệp thì họ nói chờ hướng dẫn chi tiết hơn. "Khi tìm hiểu các đối tượng được cấp giấy đi đường, chúng tôi lo lắng vì không biết mình thuộc nhóm nào. Thực sự là rất bối rối, hoang mang", anh chia sẻ.
Trong lúc chưa có hướng dẫn chi tiết rõ ràng, anh cho biết, lãnh đạo công ty đã tính phương án dự phòng cho cán bộ nhân viên tạm nghỉ nửa ngày, có giấy đi đường rồi mới đi làm lại. "Hiện nhà máy chỉ còn duy trì một nửa nhân sự so với trước, số còn lại làm việc ở nhà, nhưng nếu phải tạm nghỉ sản xuất nửa ngày cũng thiệt hại lớn với chúng tôi", anh bộc bạch.
Ủng hộ quan điểm siết chặt giãn cách để phòng dịch của Hà Nội, song theo các doanh nghiệp thông báo đưa ra lần nào cũng quá gấp gáp. Lần này thì rơi vào ngày nghỉ lễ Quốc Khánh, rồi lại thứ 7, Chủ nhật khiến doanh nghiệp khó xoay xở.
Trước những bất cập trên, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, quy trình cấp giấy đi đường của cấp có thẩm quyền cần thống nhất, xuyên suốt để doanh nghiệp khi nhận thông báo biết mình cần phải làm gì, tới đâu xin giấy, hồ sơ thủ tục gồm những gì, có thuộc đối tượng được cấp hay không...
Bên cạnh đó, theo bà, việc áp dụng công nghệ tối đa, cấp giấy đi đường trực tuyến với mã QRCode cần được triển khai ngay để thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
"Cấp mã QRCode nhưng công an trả bản giấy, người dân vẫn phải cầm bản cứng giấy đi đường để kiểm tra qua các chốt sẽ mất thời gian cũng như không đảm bảo được giãn cách", bà chia sẻ.
Theo vnexpress