Nhân viên y tế phải giữ bí mật thông tin người bệnh
Theo điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm cókhả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm bệnh bại liệt, bệnh cúm A-H5N1, bệnh dịch hạch, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút... và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Điều 8 quy định những hành vi sau bị nghiêm cấm:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo điều 33, thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh truyền nhiễm theo quy định, tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh; giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.
Người bệnh có các trách nhiệm khai báo trung thực diễn biến bệnh, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Về tổ chức cách ly y tế, điều 49 quy định:
- Người mắc hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B phải được cách ly.
- Hình thức cách ly bao gồm tại nhà, tại cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
- Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
Các biện pháp bảo vệ cá nhân và bảo vệ khác được quy định tại điều 51 và 52:
- Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một số biện pháp bảo vệ cá nhân như trang bị bảo vệ cá nhân, sử dụng thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch như tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.