Những rủi ro không thể lường hết khi nhờ đứng tên mua nhà
Bà Thanh (ở Bắc Giang) muốn đầu tư căn hộ chung cư tại Hà Nội nên khi người bạn thân nói có con dâu giỏi quan hệ mua bán nhà đất với giá ưu đãi, bà liên lạc ngay. Con dâu của bạn bà là Nguyễn Thị Nhung (32 tuổi), khoe chơi thân với sếp lớn là chủ đầu tư một dự án lớn ở khu vực Trung Văn (Nam Từ Liêm) nên có thể mua giúp căn hộ với giá rẻ hơn thị trường. Sau khi trao đổi, bà Thanh thấy tin tưởng nên nhờ thay mặt thực hiện giao dịch, giao 70 triệu đồng tiền cọc theo yêu cầu.
Cầm hợp đồng và phiếu thu, bà giao tiếp hơn một tỷ đồng. Lần nào đến đưa tiền, bà Thanh cũng gặp Nhung tại trước trụ sở công ty làm chủ đầu tư dự án này.
Khi chưa thấy giao nhà như thoả thuận mà Nhung lại liên tục yêu cầu đưa thêm tiền, bà Thanh bắt đầu nghi ngờ. Bà tự xác minh thì phát hiện bị lừa. Toàn bộ chứng từ đã nhận đều là giả mạo. Cơ quan điều tra xác định, Nhung còn lừa nhiều người khác với thủ đoạn tương tự. Tháng 10/2016, Nhung bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Themis, Hà Nội cho biết ủy quyền cho người khác đứng tên giao dịch mua nhà là dạng giao dịch dân sự đặc biệt. Giao dịch này chỉ có giá trị khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bắt buộc do chủ của tài sản đó thực hiện.
Cá nhân có thể thông qua trung gian hay môi giới để tiếp cận được tài sản cần mua, nhưng khi tiến hành các giao dịch như "đặt cọc" hay giao kết "hợp đồng chuyển nhượng" thì bắt buộc phải trực tiếp giao dịch. Đây là kiến thức pháp lý cơ bản mà người dân cần biết để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư nhấn mạnh, nhiều trường hợp, người được nhờ ban đầu không có ý định chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên sau khi nhận số tiền lớn thì vì nhiều lý do mà nảy sinh ý xấu. "Chúng tôi khuyến nghị người dân không nên nhờ người khác thực hiện các giao dịch liên quan đến mua bán nhà ở, hay với số tiền lớn”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội) đánh giá trong đời sống hàng ngày, việc đưa tiền nhờ người khác mua hoặc đứng tên tài sản khá phổ biến. Tài sản được nhờ mua, đứng tên có thể là động sản hoặc bất động sản nhưng thườn là những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Việc nhờ người khác mua, đứng tên (kể cả trường hợp chỉ đứng tên trên giao dịch viết tay) theo luật sư cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Về chủ quan, người được nhờ nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất trong các tranh chấp liên quan nhờ đứng tên.
Về khách quan, nếu người được nhờ đứng tên bị chết, mắc bệnh dẫn đến mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì để chuyển trả lại tài sản cho chủ sở hữu cũng rất phức tạp, trải qua nhiều thủ tục hành chính cũng như thủ tục tư pháp... Hay cũng có thể do thất lạc giấy tờ, do thay đổi về đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước...thì người chi tiền phải chịu thiệt là chính.
Theo lời khuyên của luật sư Vinh, nếu nhờ người khác mua, đứng tên chủ tài sản cần lập thành văn bản có người làm chứng, giữ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi giao dịch chuyển nhượng hoàn tất.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu chiếm đoạt, bạn cần làm ngay đơn gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp can thiệp, ngăn chặn. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.