Bị đánh cắp thông tin để vay tiền, có phải trả nợ?
Tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Như vậy, theo quy định này, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.
Cá nhân có hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác không đúng mục đích hoặc không có sự đồng ý của chủ thể, có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 điều 84 nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, nếu phải chịu thiệt hại do hành vi tự ý chiếm giữ và sử dụng thông tin căn cước công dân để vay tiền, bạn có thể khởi kiện người đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.