Giấy tờ công chứng có giá trị trong bao lâu?
Đầu tiên chúng ta cần hiểu pháp luật quy định về giá trị của văn bản chứng thực, văn bản công chứng ra sao.
Văn bản chứng thực theo khoản 1, 2 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định: "Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...".
Luật Công chứng quy định: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp củahợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Từ đó, tôi cho rằng bản sao công chứng, chứng thực không bị giới hạn về khoảng thời gian có hiệu lực. Văn bản có giá trị vô thời hạn.
Chẳng hạn, bản sao được công chứng, chứng thực từ giấy phép lái xe, bảng điểm, bằng cử nhân... sẽ có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.
Bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Giấy chứng minh nhân dân, Phiếu lý lịch tư pháp, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... thì chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.
Với những tài liệu thường có sự biến động, thay đổi trong quá trình sử dụng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, sổ hộ khẩu..., cán bộ thụ lý có quyền yêu cầu đương sự xuất trình bản chính (bản gốc) để đối chiếu chứ không có quyền yêu cầu đương sự nộp bản sao mới.