Hộ chiếu gắn chíp là gì?
Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.
Hộ chiếu sẽ bao gồm những thông tin như sau: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. Ngoài những thông tin trên thì hộ chiếu điện tử còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc cá nhân như vân tay, khuôn mặt…
Để phân biệt với hộ chiếu không gắn chíp điện tử, ở trang bìa đầu tiên của cuốn hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Chíp điện tử sẽ được đặt tại trang bìa sau của cuốn hộ chiếu để lưu trữ thông tin nhân trắc học và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu.
Hộ chiếu gắn chíp điện tử cấp cho những ai?
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi.
Xem thêm: Địa chỉ làm hộ chiếu tại 63 tỉnh thành
Hộ chiếu gắn chíp điện tử có thời hạn bao lâu?
Đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ thì có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm và có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
Hình ảnh hộ chiếu gắn chip điện tử
Đối với hộ chiếu phổ thông thì thời hạn của hộ chiếu là 10 năm đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên; thời hạn của hộ chiếu là 05 năm đối với người chưa đủ 14 tuổi; thời hạn của hộ chiếu là không quá 12 tháng đối với hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn. Đối với tất cả các loại hộ chiếu phổ thông đều không được gia hạn.
Ưu điểm của hộ chiếu gắn chíp điện tử
- Hộ chiếu gắn chíp điện tử lưu trữ các thông tin cá nhân và các thông tin sinh trắc học của con người nên khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các nước sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn do các thông tin trên hộ chiếu sẽ hiện ra nhanh chóng để cán bộ kiểm soát xuất nhập cảnh xác thực, kiểm soát.
- Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Trên thế giới hiện nay có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử để lưu trữ thông tin theo một dạng thống nhất giữa các quốc gia.
- Hộ chiếu điện tử có tính bảo mật thông tin cao hơn vì các thông tin được lưu trữ trong con chíp, khó có thể sao chép thông tin. Do đó, hộ chiếu có gắn chíp điện tử sẽ bảo về thông tin của công dân tốt hơn trước nguy cơ bị đánh cắp thông tin và làm giả hộ chiếu.
Có bắt buộc phải làm hộ chiếu gắn chíp không?
Theo quy định hiện hành, hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ có thể lựa chọn giữa cấp hộ chiếu thông thường hoặc hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Đối với những người đang sử dụng hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Quy trình cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử mới nhất
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ để làm hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử bao gồm:
- Tờ khai theo mẫu
- 02 ảnh chân dung cỡ 4x6 được chụp trên phông nền trắng, mắt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu
- CMND hoặc CCCD để xuất trình khi nộp hồ sơ.
- Hộ chiếu cũ trong trường hợp cấp lại hộ chiếu
- Giấy tờ trình báo mất hộ chiếu trong trường hợp bị mất
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử trực tiếp nộp hồ sơ vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng) hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và gửi bổ sung hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích theo thông báo của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (nếu có), cụ thể:
- Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
- Người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu.
Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cấp giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí, cán bộ thu lệ phí thu tiền, giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thanh toán trực tuyến và nhận biên lai điện tử.
Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoàn chỉnh hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả
Tùy thuộc vào đăng ký của người đăng ký làm hộ chiếu, khi có kết quả, hộ chiếu sẽ được trả tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc chuyển phát đến nơi người đăng ký.
Dịch thêm: Dịch vụ làm hộ chiếu Online
Thời gian làm hộ chiếu có gắn chíp điện tử
Thời gian làm hộ chiếu lần đầu sẽ là 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; thời gian làm hộ chiếu là 05 ngày làm việc kể tử ngày tiếp nhận hồ sơ đối với trường hợp cấp hộ chiếu lần hai trở đi.
Lưu ý: Cấp hộ chiếu lần đầu nhưng thuộc trường hợp có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám chữa bệnh, chữa bệnh; có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết; có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan QLXNC Bộ Công an quyết định thì thời gian làm hộ chiếu online sẽ là 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.
Chi phí làm hộ chiếu gắn chíp điện tử là bao nhiêu?
Mức phí làm hộ chiếu gắn chíp điện tử được quy định như sau:
- Cấp mới: 200.000 đồng/lần cấp
- Cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000 đồng/lần cấp
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử có những điểm nổi bật và mang lại những ưu thế nhất định cho người sử dụng. Vì vậy, khi tiến hành làm hộ chiếu, bạn nên lựa chọn làm hộ chiếu điện tử để thuận tiện hơn khi sử dụng cũng như bảo mật thông tin của mình tốt hơn.