Trong các vụ án dân sự việc người khởi kiện đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về quyền lợi, trách nhiệm của mình thế nào hãy cùng chúng tôi tìm hiểu khởi kiện là gì và những lưu ý về khởi kiện cho người khởi kiện.
Khởi kiện là gì?
Khởi kiện vụ án dân sự là hành vi của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền, tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Những lưu ý về khởi kiện dành cho người khởi kiện?
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện thông qua đơn kiện hoặc trình bày bằng lời nói đúng hay sai?
Theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải làm đơn khởi kiện. Ngoài ra, đơn khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện về hình thức và nội dung theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 189 BLTTDS.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, yêu cầu khởi kiện chỉ hợp lệ khi được thực hiện bằng hình văn bản, việc trình bày yêu cầu khởi kiện bằng lời nói là không phù hợp.
Người khởi kiện có quyền khiếu nại về việc trả lại đơn nếu không đồng ý đúng hay sai?
Khoản 1 Điều 192 BLTTDS quy định, các trường hợp thẩm phán trả lại đơn khởi kiện, bao gồm:
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định của BLTTDS hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trừ trường hợp vụ án mà tòa án bác đơn: yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê... mà tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
- Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 BLTTDS mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho tòa, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.
- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
- Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của BLTTDS.
- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
Khoản 1 Điều 194 BLTTDS quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại với tòa đã trả lại đơn.
Khởi kiện dân sự là gì?
Căn cứ vào những quy định trên, trong trường hợp không đồng ý với việc trả đơn khởi kiện của tòa án, người khởi kiện có quyền khiếu nại với tòa đã trả lại đơn khởi kiện.
Người khởi kiện phải nộp đơn và tài liệu liên quan trực tiếp tại tòa đúng ko?
Theo Điều 190 BLTTDS, Điều 16 Nghị quyết 04/2016 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS, Luật tố tụng Hành chính về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, người khởi kiện gửi đơn kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức như:
- Nộp trực tiếp tại tòa án.
- Gửi đến tòa theo đường dịch vụ bưu chính.
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có).
Căn cứ vào các quy định trên, xét thấy pháp luật hiện hành việc nộp đơn và tài liệu không bắt buộc phải nộp trực tiếp tại tòa án.
Nếu người khởi kiện không biết chữ có được khởi kiện không?
Điều 186 BLTTDS quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điểm c khoản 2 Điều 189 BLTTDS cũng quy định, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ có thể nhờ người khác làm hộ đơn kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Điểm a, b khoản 2 Điều 189 BLTTDS quy định:
- Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn kiện. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
- Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn kiện. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Căn cứ vào các quy định trên, người không biết chữ vẫn có thể thực hiện quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Người lao động khởi kiện người sử dụng lao động do bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì được miễn án phí đúng hay sai?
Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Tranh chấp về lao động không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở thì mới được quyền khởi kiện đúng hay sai?
Theo khoản 1 Điều 32 BLTTDS 2015; điểm a khoản 2 Điều 219; khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tùy từng loại tranh chấp về lao động mà có yêu cầu bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải hay không trước khi tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Cụ thể, đối với các tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thuộc một trong số các tranh chấp sau đây thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Đối với các tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong các trường hợp còn lại thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải. Trong các trường hợp: hòa giải thành mà các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng; hòa giải không thành và hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mới được quyền khởi kiện.
Đối với tranh chấp lao động tập thể thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải.
Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà tranh chấp về lao động sẽ bắt buộc hoặc không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở thì mới được quyền khởi kiện.
Bên tranh chấp đất đai có thể vừa yêu UBND, vừa yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp song song nhau đúng hay sai?
Theo điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS; Điều 4 Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng thẩm phán, tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện khi vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa là trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết.
Điều 4 Nghị quyết 04/2017 cũng quy định, trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền và cơ quan đó đang giải quyết tranh chấp thì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Như vậy, bên tranh chấp đất đai không thể vừa yêu cầu UBND vừa yêu cầu tòa án cùng giải quyết tranh chấp.