Các nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội Việt Nam là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và chi phối toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật bảo hiểm xã hội. bảo hiểm xã hội luôn chứa đựng và đan xen hai yếu tố kinh tế và xã hội. Vai trò của pháp luật là xác lập được một hình thức pháp luật nhất định và bảo đảm thực hiện bởi một cơ chế pháp luật thích hợp nhằm kết hợp hài hòa nội dung kinh tế và nội dung xã hội trong bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, trên cơ sở quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng các bên trong quan hệ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản của pháp luật an sinh xã hội. Cụ thể là:
Thứ nhất là, mọi thành viên trong xã hội đều có quyền được hưởng an sinh xã hội.
Quyền được hưởng an sinh xã hội của người lao động là một trong những biểu hiện cụ thể của quyền con người. Tuy nhiên, để được hưởng một chế độ trợ giúp nào đó thì đối tượng được trợ giúp phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Ví dụ, đối tượng để hưởng bảo hiểm xã hội là người lao động và phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội phải là người đang gặp hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh mà bản thân không thể tự khắc phục được. Tương tự như vậy, được hưởng trợ cấp ưu đãi xã hội phải là những người đã có cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Nhưng giữa nguyên lí và thực tiễn luôn luôn có một khoảng cách rất xa. Mặc dù việc được hưởng an sinh xã hội là quyền của mọi thành viên trong xã hội nếu họ thỏa mãn các điều kiện về đối tượng được hưởng, tuy nhiên có nhiều trường hợp dù đủ điều kiện, nhưng một số đối tượng vẫn không được hưởng những chế độ an sinh xã hội này. Bởi vậy, cần căn cứ vào các điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn phát triển về tổ chức và hoàn thiện dần việc đảm bảo nguyên tắc trên được thực hiện đầy đủ và đúng đắn.
Thứ hai là nhà nước thống nhất quản lí vấn đề an sinh xã hội
Cơ sở của nguyên tắc này nằm ngay chính ở chức năng xã hội của nhà nước. Nhà nước, người chủ sở hữu cao nhất đồng thời là người chủ sử dụng lao động lớn nhất, người đại diện cho toàn xã hội phải là người thống nhất quản lý toàn bộ lĩnh vực an sinh xã hội.
Sự thống nhất quản lí an sinh xã hội thể hiện ở chỗ, trước hết, Nhà nước định ra các “ chính sách xã hội”, cùng với các chính sách kinh tế, chính sách văn hóa, an ninh quốc phòng. Đồng thời, Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật an sinh xã hội nhằm thể chế hóa các chính sách xã hội ấy. Để thực thi có hiệu quả các văn bản pháp luật, Nhà nước thành lập hệ thống các cơ quan chức năng về an sinh xã hội cũng như kiểm tra việc tổ chức, thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội của các cơ quan này.
Là người chủ sở hữu lớn nhất, Nhà nước còn trực tiếp đóng góp hoặc hỗ trợ vào nguồn thực hiện các chế độ an sinh xã hội. Ví dụ, Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bên cạnh sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động. Phần lớn quỹ dùng để ưu đãi cho người có công với cách mạng và quỹ cứu trợ xã hội cũng chủ yếu do ngân sách Nhà nước cấp.