Người nhận án treo có được đi làm ở tỉnh khác?
Điều 41 Bộ luật Hình sự cũng quy định, trong trường hợp tòa án áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì người đó phải tuân thủ. Ngoài công việc bị cấm, người này hoàn toàn có thể làm công việc khác phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân.
Nếu tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo như sau:
- Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, phải thực hiện khai báo tạm vắng. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách.
- Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của UBND cấp xã. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
Như vậy, em trai của bạn vẫn có thể đi làm ở địa phương khác, trừ trường hợp bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được ghi trong bản án, đồng thời phải xin phép, khai báo tạm trú, tạm vắng với UBND và công an cấp xã theo quy định nêu trên.