Thủ tục đăng ký hộ khẩu tại thành phố từ ngày 1/7
Luật Cư trú 2020 bãi bỏ điều kiện nhập hộ khẩu thường trú riêng của các thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tục đăng ký thường trú tại các thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội, sẽ như các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, công dân phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú khác nhau.
Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định, công dân sở hữu nhà ở hợp pháp được đăng ký thường trú tại chỗ ở đó. Hồ sơ đăng ký gồm: Bản sao sổ đỏ hoặc sổ hồng đã công chứng và tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Người thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp cần chuẩn bị tờ khai thay đổi thông tin cư trú, có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ; bản công chứng hợp đồng cho thuê, mượn, ở nhờ và giấy tờ chứng minh đủ diện tích nhà ở, không thấp hơn 8 m2 sàn/người, để đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020.
Trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con, người chưa thành niên, người cao tuổi, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần, người khuyết tật... về ở với nhân thân phải tuân theo khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú 2020. Theo đó, người đăng ký cần chuẩn bị tờ khai thay đổi thông tin cư trú, có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ; giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ và giấy tờ chứng minh các điều kiện về người khuyết tật, tâm thần (nếu thuộc trường hợp này).
Người dân sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện muốn đăng ký trường trú cần chuẩn bị giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Nếu phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm, công dân cần có văn bản xác nhận của UBND cấp xã về sử dụng phương tiện đó với mục đích để ở. Ngoài ra, người đăng ký phải có văn bản xác nhận của UBND cấp xã về địa điểm phương tiện đăng ký đỗ, đậu và chuẩn bị tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Nếu không phải chủ phương tiện, bạn phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ phương tiện.
Công dân đến nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại trụ sở công an phường/quận. Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho công dân. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, cán bộ phụ trách sẽ hướng dẫn bổ sung.
Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo kết quả cho người đăng ký. Trường hợp từ chối, cơ quan phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Luật Cư trú 2020 đã giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ từ 15 ngày xuống 7 ngày, mọi thủ tục đăng ký thường trú bớt phức tạp và tiện lợi hơn.
Theo Luật Cư trú 2013, công dân muốn đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải đáp ứng các điều kiện riêng về thời gian tạm trú và một số điều kiện đặc thù khác.
Nếu đăng ký hộ khẩu thường trú tại nội thành Hà Nội, người dân phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại Hà Nội từ 3 năm trở lên. Trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, phải đảm bảo diện tích tối thiểu 15 m2 sàn/người, theo khoản 4, Điều 19, Luật Thủ đô 2012.
Người đăng ký thường trú tại Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm: sổ tạm trú; sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy chuyển khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.