Sau quá trình gặt lúa, chúng ta sẽ tách cây lúa và hạt thóc riêng, thóc được phơi khô thường khoảng 3 nắng to các bạn nhé. Sau khi thóc khô sẽ được đổ vào bồ đựng thóc để cất giữ, khi cần dùng gạo để nấu ăn thì ta sẽ lấy thóc và đi “Xát gạo” bằng máy bóc tách riêng công đoạn này sẽ cho chúng ta các thành phần như: gạo trắng, trấu, và cám.
Thóc được làm sạch trước khi đưa vào xay để bóc vỏ, tiếp theo là tách hạt gạo khỏi trấu. Gạo thu được còn vỏ cám gọi là gạo lật hay gạo lức.
Sau khi đã loại bỏ trấu dính trên hạt gạo, gạo vẫn còn có một lớp màng bao quanh, do đó, để hạt gạo được trắng, người ta tiến hành xát trắng hạt gạo bằng cách làm sạch vỏ cám bao quanh gạo.
Gạo trắng là thóc đã được xay, tách bỏ vỏ trấu và xát để loại lớp cám và mầm. Sau khi xay xát, có thể đánh bóng để hạt gạo trắng và sáng hơn, sau khi xay hạt thóc chúng ta sẽ có được những hạt gạo trắng sáng, trong gạo trắngchứa tinh bột (80%), một thành phần chủ yếu cung cấp nhiều năng lượng, protein (7,5%), nước (12%), vitamin và các chất khoáng (0,5%) cần thiết cho cơ thể.
Chất tinh bột chứa trong hạt gạo dưới hình thức carbohydrat (carb) và trong con người dưới dạng glucogen, tinh bột cung cấp phần lớn năng lượng cho con người. Gạo trắng chứa carb rất cao, độ 82 gram trong mỗi 100 gram. Do đó, 90% năng lượng gạo cung cấp do carb. Trong tinh bột có hai thành phần – amylose và amylopectin. Hai loại tinh bột này ảnh hưởng rất nhiều đến hạt cơm sau khi nấu, nhưng không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng. Hạt gạo có nhiều chất amylose sẽ làm cho hạt cơm cứng và hạt chứa ít amylose, nghĩa là nhiều amylopectin cho cơm dẽo nhiều hơn.
Ngoài ra, gạo còn cung cấp những chất khoáng cần thiết cho cơ thể với ít chất sắt (thành phần của hồng huyết cầu và enzym) và kẽm (giúp chống oxyd hóa trong máu, thành phần của enzym trong tăng trưởng, phân chia tế bào), nhưng nhiều chất P (giúp xương, răng, biến hóa trong cơ thể), K (cho tổng hợp protein, hoạt động enzym), Ca (giúp xương, răng và điều hòa cơ thể), muối (giữ cân bằng chất lõng trong cơ thể, hoạt động bình thường của hệ thần kinh và bắp thịt)…