Đất thổ cư là gì?
Theo wikipedia định nghĩa đất thổ cư như sau: Đất thổ cư (đất ở) là loại đất ở được sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình nhà ở, chung cư phục vụ cho cuộc sống. Đất thổ cư thuộc nhóm đất phi nông nghiệp dùng để phân biệt với đất thổ canh (đất canh tác).
Đât thổ cư được nhắc đến trong Văn bản pháp luật thông qua khái niệm đất ở, trong đó đất ở theo Luật Đất đai 2013 là loại hình đất phi nông nghiệp gồm: Đất ở nông thôn (ont) và Đất ở đô thị (odt). Cả 2 nhóm đất này chỉ khác nhau về điều kiện xây dựng, thuế và hạn mức.
Đất thổ cư có được xây nhà không?
Theo Luật Đất đai có quy định thì việc sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị phạt hoặc thu hồi đất. Đất thổ cư là đất sử dụng để xây công trình nhà ở phục vụ cuộc sống nên bạn hoàn toàn có thể xây nhà nếu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi đúng mục đích là đất ở.
Đất thổ cư có được kinh doanh không?
Xét theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì không có quy định xử phạt trường hợp sử dụng đất ở để kinh doanh. Bạn chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai là có thể kinh doanh bình thường.
Đất vườn có được chuyển đổi thành đất thổ cư không?
Theo khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 về chuyển mục đích sử dụng đất, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
- a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
- b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
- c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
- d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
- đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất
- e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
- g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định nói trên thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Sau khi được chuyển mục đích sử dụng thì chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất đã được chuyển đổi.
Thủ tục chuyển đổi đất vườn thành đất thổ cư thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ, gồm có:
- a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;
- b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi chung là Giấy chứng nhận).
Hồ sơ nộp tại cơ quan tài nguyên và môi trường nơi có đất cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều), người đang sử dụng đất (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải nộp tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất được xác định trên các căn cứ: diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; giá đất tính thu tiền sử dụng đất.
Theo điểm b khoản 2 Điều 5 nói trên, mức thu tiền sử dụng đất đối với việc chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khái niệm về đất thổ cư được pháp luật hiện hành có khái quát như sau
Theo điều 10 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng (không đề cập đến khái niệm đất thổ cư). Tuy nhiên, thực tế thì đất thổ cư là cách gọi của người dân dùng để chỉ đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Đất ở là đất được xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ đời sống có đúng không?
Căn cứ điểm a khoản 2 điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị.
Căn cứ khoản 1 điều 143 Luật Đất đai năm 2013, đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ khoản 1 điều 144 Luật Đất đai năm 2013, đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng là loại đất được sử dụng vĩnh viễn đúng không?
Căn cứ khoản 1 điều 125 Luật Đất đai năm 2013, đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng là loại đất được sử dụng ổn định lâu dài (nghĩa là không xác định thời hạn sử dụng đất chứ không phải là sử dụng vĩnh viễn).
Không cần xin phép cơ quan nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở có đúng không?
Căn cứ điểm d khoản 1 điều 57 Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở, đất xây dựng trụ sở cơ quan...) phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ điểm e khoản 1 điều 65 Luật Đất đai năm 2013, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người sẽ được nhà nước thu hồi.
Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người sẽ được nhà nước thu hồi đất đúng không?
Căn cứ điểm đ khoản 1 điều 65 Luật Đất đai năm 2013, đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người sẽ được nhà nước thu hồi đất.
Trên đây là 10 thắc mắc thường gặp về đất thổ cư bạn nên biết, việc áp dụng các kiến thức về pháp luật đất đai vào cuộc sống sẽ giúp bạn chủ động và tuân thủ đúng các quy định về pháp luật đất đai.