Cụ thể biển số xe được quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức; trường hợp tổ chức chưa có mã định danh thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập; trừ biển số xe nền màu đỏ, chữ và số màu trắng cấp cho xe quân sự.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, biển số định danh là cách quản lý biển số theo mã định danh cá nhân của "chủ biển". Biển vẫn được cấp cho người dân theo quy trình như hiện nay chứ không phải "dùng mã định danh cá nhân làm biển số" theo cách hiểu của nhiều người.
Biển số xe được cấp theo mã định danh sẽ giúp công tác quản lý hiệu quả hơn, có thể dễ dàng truy xuất thông tin của người và phương tiện để xác minh thông tin liên quan đến tai nạn, vi phạm giao thông, từ đó nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Ví dụ, công an gửi thông báo vi phạm nhưng nếu chủ đã bán xe kèm theo cả biển số cho người khác thì rất khó xác minh chủ thực sự. Nếu quản lý biển theo mã định danh sẽ tránh được tình trạng này.
Xem thêm hướng dẫn đổi bằng lái xe ô tô online
Với xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc xe đã bán thì chủ được giữ lại số biển số xe trong 5 năm để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Quá thời hạn trên, số biển số xe đó sẽ bị cơ quan đăng ký xe thu hồi, cấp cho tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp chủ xe có thay đổi thông tin về trụ sở, nơi thường trú, tạm trú thì được giữ lại số biển số định danh.
Với các biển số xe của người dân đang sử dụng hiện nay, biển 5 số sẽ mặc định là biển số định danh. Nếu người dân có nhu cầu, cảnh sát sẽ thu hồi biển 3, 4 số rồi cấp đổi sang biển 5 số để quản lý theo định danh cá nhân của chủ biển.
Khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ xe mới. Chủ cũ phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.