Điều kiện để người lái xe tham gia giao thông
Căn cứ theo khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:
- Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
+ Đăng ký xe;
+ Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe (hay còn gọi là bằng lái xe). Bằng lái xe phải phù hợp với loại xe được phép điều khiển.
Các trường hợp người tham gia giao thông bị xử phạt liên quan đến Giấy phép lái xe
Điều khiển xe cơ giới không có Giấy phép lái xe theo quy định có phải là hành vi bị nghiêm cấm không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008:
"Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
...
9.Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.
Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng."
Điều khiển xe cơ giới không có Giấy phép lái xe theo quy định là một trong các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, người học đào tạo lái xe hạng B2 sẽ trải qua 588 giờ, gồm 168 giờ học lý thuyết và 420 giờ học thực hành lái xe.
Đang chờ cấp bằng có được lái xe và có bị xử phạt không?
Theo Điều 35 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định về Cấp mới giấy phép lái xe như sau:
- Người đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển; đối với trường hợp nâng hạng hoặc cấp lại do quá thời hạn sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Thông tư này phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe khi đến nhận giấy phép lái xe.
- Căn cứ quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lái xe cho người trúng tuyển.
Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe là ngày ký quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch.
- Thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
- Cá nhân đạt kết quả sát hạch có nhu cầu nhận giấy phép lái xe tại nhà, trong vòng 03 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, thực hiện đăng ký qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
Sau khi thi đỗ lý thuyết, đỗ thực hành và đỗ đường trường thì người lái xe đã đạt đủ điều kiện để được cấp bằng lái xe. Thời gian cấp bằng lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch. Như vậy, người trúng tuyển cần đợi khoảng 10 ngày để Giám đốc Sở giao thông Vận tải cấp bằng lái xe. Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau bằng lái xe là ngày ký quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch.
Do đó, nếu chưa nhận được bằng lái xe mà điểu khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử lý với lỗi không mang hoặc không có Giấy phép lái xe tùy trường hợp:
- Nếu thời gian ghi trên bằng lái xe được cấp trước thời gian bị lập biên bản - Lỗi không mang Giấy phép lái xe;
-Nếu thời gian ghi trên GPLX được cấp sau thời gian lập biên bản - Lỗi không có Giấy phép lái xe.
Hy vọng những thông tin này giúp bạn đọc hiểu hơn về quá trình tham gia giao thông và tránh khỏi việc mắc các lỗi sai liên quan đến vấn đề này. Theo dõi Mylaw.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé.
Theo: thuvienphapluat.vn