Sau 15 ngày miễn phí, từ hôm nay (21/11) hành khách đi tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phải mua vé.
Hành khách đi vé lượt mua ở máy bán vé tự động hoặc tại quầy. "Người mua vé theo chặng, lượt từ 8.000 đến 15.000 đồng nên chuẩn bị tiền mệnh giá phù hợp để mua vé được thuận tiện", Phó tổng giám đốc Hà Nội Metro Nguyễn Văn Ngọc khuyến cáo. Trường hợp mua vé tại máy bán vé tự động, hành khách nên chuẩn bị tiền có mệnh giá dưới 100.000 đồng.
Khách đi vé ngày, tới quầy mua vé giá 30.000 đồng, sử dụng không giới hạn số lượt đi trong ngày và hết ngày sẽ hết hiệu lực.
Những người mua vé tháng phổ thông 200.000 đồng, tới quầy mua vé cung cấp thông tin cá nhân, trả tiền sẽ được nhận vé ngay (vé có tác dụng trong 30 ngày, sau 30 ngày trả lại vé cũ để lấy vé mới). Mua vé tháng tập thể được giảm 30% với từ 30 người trở lên.
Vé tháng giảm 50% cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Khách tới quầy mua vé cung cấp thông tin cá nhân như thẻ học sinh, sinh viên hoặc xác nhận là lao động tại các khu công nghiệp, nhận thẻ như vé tháng bình thường có dán tem ưu tiên.
Hiện đơn vị quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ bán vé trực tiếp ở các nhà ga trên tuyến. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu các hình thức bán vé khác để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho hành khách", Phó tổng giám đốc Hà Nội Metro Nguyễn Văn Ngọc nói.
Từ ngày 6 đến 19/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có 2.351 chuyến tàu vận hành an toàn tuyệt đối với trên 336.000 lượt khách; bình quân mỗi ngày có từ 18.000 đến trên 24.000. Dữ liệu thống kê số hành khách cho thấy vào những ngày nghỉ thường đông gấp đôi ngày bình thường. Như ngày 7/11 (chủ nhật) có trên 54.000 khách, ngày 14/11 hơn 40.000.
Trước đó ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành thương mại.
Tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh, đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng chỉ mất 13 phút, không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng.
Dọc đường sắt có 52 tuyến xe buýt, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần điều chỉnh tiến độ.