Công an nghĩa vụ là gì?
Công an nghĩa vụ là bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ này được ghi nhận tại điều 8 Luật công an nhân dân 2018, Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân – “Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân.”
Tiêu chuẩn chọn công dân thực hiện nghĩa vụ công an
- Phải là người có lý lịch rõ ràng
- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
- Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong CAND.
- Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.
Người tham gia công an nghĩa vụ được nhận phụ cấp, cộng điểm ưu tiên nếu thi đại học hoặc công viên chức.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổ chức Lễ ra khai giảng huấn luyện hơn 15.500 công dân tham gia nghĩa vụ công an nhân dân năm 2022, ngày 25/2. Con số này cao hơn 4.000 người so với năm 2021.
Luật Công an nhân dân quy định, thực hiện nghĩa vụ công an là thực hiện "nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong lực lượng vũ trang" với thời hạn 2 năm.
Theo Nghị định 70/2019, chiến sĩ công an nghĩa vụ có quyền lợi như binh sĩ quân đội được nêu tại Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự và Nghị định 27/2016.
Cụ thể, công dân nếu đã trúng tuyển đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng vẫn tham gia công an nghĩa vụ, sẽ được bảo lưu kết quả học tập.
Chiến sĩ nghĩa vụ được phong cấp hàm khởi điểm là binh nhì với mức phụ cấp 596.000 đồng/tháng và có thể thăng tối đa lên cấp thượng sĩ, phụ cấp hơn một triệu đồng/tháng. Từ tháng thứ 25 trở đi, họ được nhận thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Binh sĩ phục vụ từ tháng 13 trở đi được nghỉ phép 10 ngày/năm và được thanh toán tiền tàu xe, phụ cấp đi đường. Nếu không thể nghỉ phép, họ được hưởng tiền, một ngày không nghỉ phép bằng tiền ăn hôm đó.
Nếu gia đình, thân nhân binh sĩ "gặp chuyện không may", được nghỉ phép 5 ngày. Đồng thời, khi thân nhân của họ ốm đau, từ trần được trợ cấp tối đa 2 triệu đồng; nhà cửa bị hư hại do thiên tai, hỏa hoạn nhận trợ cấp 3 triệu đồng.
Chiến sĩ công an nghĩa vụ được hưởng các chế độ về học tập, chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi, miễn phí 4 tem thư/tháng.
Khi xuất ngũ, ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần, họ nhận trợ cấp theo cách tính cứ mỗi năm phục vụ được trợ cấp bằng hai tháng tiền lương cơ sở; tháng lẻ được cộng thêm. Nếu phục vụ trên 30 tháng, công an nghĩa vụ nhận thêm hai tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Họ còn được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cở sở; được chi 50.000 đồng/người để tổ chức gặp mặt chia tay. Chiến sĩ về địa phương còn được ưu tiên sắp xếp việc làm; cộng điểm khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Trường hợp không xuất ngũ, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được "xét tuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp". Ngay khi tại ngũ, chiến sĩ nghĩa vụ công tác hơn 15 tháng được xét, dự tuyển vào các học viện, nhà trường của công an. Thông tư 09/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhóm này được cộng 1-2 điểm hệ số 10 vào tổng điểm.