Ứng xử thế nào để chứng minh vô tội khi bỗng dưng bị bắt?
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP HCM) phân tích, trách nhiệm chứng minh tội phạm trước hết thuộc về cơ quan điều tra chứ không phải của người có liên quan. Thậm chí người có liên quan sau này còn có quyền im lặng trước cả tòa và viện kiểm sát.
Điều này được quy định tại điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án. Điều luật nêu rõ, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Theo luật sư Đức, giả sử một công dân bị người khác vứt ma túy vào trong xe hay nhà, nơi cư trú, khi bị công an phát hiện thì đó vẫn là dấu hiệu tàng trữ ma túy. Nhưng cơ quan điều tra không phải đơn giản kết luận người nào có hành vi phạm tội chỉ vì "thấy trong túi xách, xe, nhà của người nào đó có gói ma túy vài gram hoặc vài viên thuốc lắc" mà theo quy định còn phải chứng minh được mục đích, lý do, động cơ để người đó sử dụng, tàng trữ ma túy.
Đầu tiên nhà chức trách phải cho xét nghiệm xem trong cơ thể của người tình nghi có dương tính với ma túy không? Một người tàng trữ ma túy thường chỉ có hai mục đích. Thứ nhất là để sử dụng. Nếu để sử dụng thì việc xét nghiệm người đó có dương tính với ma túy hay không sẽ chứng tỏ được người đó có quá trình sử dụng ma túy.
Thứ hai, việc tàng trữ ma túy nếu không để sử dụng thì có thể để mua bán. Nếu để mua bán thì phải chứng minh được mua của ai, ở đâu, lúc nào và bán cho ai, ở đâu, lúc nào? Như vậy khi phát hiện trong xe, nhà của người nào đó có chứa ma túy, cơ quan chức năng phải chứng minh được động cơ, mục đích, mối quan hệ xã hội của người đó.
Nếu xét nghiệm, người đó không dương tính với ma túy có nghĩa không sử dụng ma túy. Khi đã loại trừ khả năng sử dụng mà cơ quan chức năng cũng không chứng minh được người tình nghi mua, bán ma túy thì rất khó để cáo buộc người đó tàng trữ ma túy.
"Như vậy không đơn giản cứ trong xe, trong nhà, trong người của ai đó có ma túy là buộc tội được họ tàng trữ ma túy", luật sư Đức nhấn mạnh.
Luật sư khuyên khi bị phát hiện trong người, xe, nơi cư trú có ma túy, người bị tình nghi nên trình bày rằng mình không liên quan đến số ma túy này. Nếu tình nghi những người nào vu oan, giá họa cho mình thì nên trình báo hết với cơ quan công an để mở rộng điều tra.
Để tránh rủi ro, mỗi người nên cẩn thận với việc nhờ vận chuyển đồ, nhất là ở bến xe, sân bay. Kể cả người nhờ có quan hệ thân quen cũng cần xem xét mối quan hệ của mình với người đó, mối quan hệ xã hội của người đó có phức tạp hay mờ ám không. Nếu không cẩn thận, bạn có thể vô tình bị hại.
Người bị tình nghi có thể bị tạm giữ
Luật sư Đức cho biết khi công an phát hiện ra ma túy trong xe, nhà của người tình nghi, đầu tiên họ sẽ tạm giữ tang vật, lập biên bản tạm giữ tang vật và lấy lời khai của người tình nghi ngay tại hiện trường. Vì vậy người bị tình nghi phải khai báo hết sức thành khẩn ngay từ đầu, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng.
Người tình nghi do liên quan tới ma túy cũng sẽ bị tạm giữ trước mắt là 9 ngày. Nếu trong quá trình tạm giữ, cơ quan điều tra không chứng minh được động cơ, mục đích của việc tàng trữ ma túy, người tình nghi sẽ được trả tự do.
Liên quan đến việc tạm giữ, thời hạn tạm giữ được quy định cụ thể tại Điều 117, 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chi tiết như sau:
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.