Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị địa phương tham khảo Hướng dẫn và tìm hiểu, thí điểm triển khai sáng kiến này tại địa phương mình ngay trong năm 2022 với các hoạt động sau:
1. Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng
- Khuyến nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo UBND các quận/huyện, thành phố/thị xã giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng.
- Trong đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn/bản, Tổ trưởng tổ dân phố và 02 nhân sự (khuyến nghị có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
2. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Tổ công nghệ số cộng đồng
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các doanh nghiệp công nghệ số bồi dưỡng, tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số (ví dụ: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, gian hàng số, sàn thương mại điện tử,...).
Phương thức triển khai: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp, hoặc trực tuyến, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, nhiều lần để Tổ công nghệ số cộng đồng thành thạo các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về nền tảng số, công nghệ số để lan tỏa, hướng dẫn đến người dân.
3. Triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng
-Tuyên truyền, hướng dẫn người dân Triển khai các nội dung để thực hiện nhiệm vụ được giao, cụ thể:
+ Thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố.
+ Về chính quyền số: hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.
+ Về kinh tế số: hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,...; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
+ Về xã hội số: hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... thông qua các nền tảng số.
Phương thức triển khai: Tổ công nghệ số cộng đồng nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố (ví dụ như: Mở gian hàng số, cài ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC – COVID, cng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai, ...). Tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (ví dụ: lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.
- Báo cáo công tác triển khai
Tổ công nghệ số cộng đồng cập nhật và gửi báo cáo định kỳ, thường xuyên qua mạng, sử dụng các nền tảng số Việt Nam (ví dụ qua nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các nền tảng số Việt Nam phổ biến khác) kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai việc sử dụng nền tảng số, công nghệ số để chính quyền các cấp năm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Xem chi tiết các hoạt động khác tại Công văn 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022.