Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Cũng như các quan hệ pháp luật dân sự khác, những tranh chấp liên quan đến việc xác lập quyền, sử dụng và chuyển giao các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ cũng thường phát sinh trong xã hội.
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ quyền tài sản của các chủ thể và được hiểu dưới hai phương diện sau đây:
– Theo phương diện khách quan: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các quy định của pháp luật công nhận các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật thừa nhận.
– Theo phương diện chủ quan: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những biện pháp cụ thể được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những gì?
Theo quy định của pháp luật sở hữu nước ta hiện hành, quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ bao gồm các quyền sau: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
- Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Đặc điểm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Cho dù được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đều có một số đặc điểm sau đây:
– Đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Đó là tác giả của tác phẩm, tác giả của sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp; chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và một số chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
– Cách thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm.
– Chủ thể áp dụng biện pháp bảo vệ có thể là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các cơ quan nhà nước khác. Các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật Việt Nam đều cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Theo quy định của pháp luật nước ta, thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc về: Toà án, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, uỷ ban nhân dân các cấp (Điều 200 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
– Mục đích của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.
Sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Bằng việc bảo hộ tài sản trí tuệ, nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sáng tạo nhiều hơn bởi bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ đảm bảo quyền ( quyền nhân thân và quyền tài sản) của chủ sở hữu đối với sản phẩm mà mình sáng tạo ra.
Đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy họ phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp.
Đối với người tiêu dùng
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã hạn chế các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, tạo ra hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.
Đối với quốc gia
Sở hữu trí tuệ đã được khẳng định là “một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, cho nên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, với sự luân chuyển mạnh mẽ, liên tục của các tài sản hữu hình cũng như tài sản vô hình giữa các quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hơn nữa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa chính trị.
“Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ bắt buộc, điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với các quốc gia muốn trở thành thành viên của Tổ chức này. Nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển, đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện không thể thiếu để thiết lập các quan hệ thương mại, việc thực hiện không đầy đủ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra sự căng thẳng về thương mại’’.
Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy là toàn bộ nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổng hợp trong bài viết này. Hy vọng bạn đọc có thêm được hiểu biết và vận dụng được những nội dung này vào đời sống và lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.