Điều kiện chung để xin cấp giấy phép mạng xã hội
Hiện nay, điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép mạng xã hội được quy định cụ thể tại 2 văn bản là Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Theo đó, các điều kiện chung để xin cấp Giấy phép mạng xã hội bao gồm:
– Phải là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp Luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp;
– Có nhân sự quản lý đáp ứng các điều kiện về cư trú, về thông tin liên lạc…và các điều kiện khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông
– Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động;
– Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập mạng xã hội.
Điều kiện đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội
Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hay tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội phải đáp ứng các điều kiện như:
– Có một trong các giấy tờ (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập, Điều lệ hoat động có ghi nội dung ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng phù hợp để thiết lập và cung cấp dịch vụ mạng xã hội);
– Đáp ứng điều kiện về nhân sự:
Nhân sự bộ phận kỹ thuật: có ít nhất một nhân sự quản lý nội dung thông tin và một nhân sự quản lý kỹ thuật.
Nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin: có ít nhất một nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin, có bộ phận quản lý nội dung thông tin.
– Sử dụng ít nhất một tên miền “.vn” và lưu trữ thông tin tại hệ thống máy chỉ IP ở Việt Nam, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống/trùng với tên cơ quan báo chí nếu nhà cung cấp không phải là cơ quan báo chí. Mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp của cùng một nhà cung cấp không được sử dụng tên miền có dãy ký tự giống nhau.
Điều kiện về biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin đối với mạng xã hội
– Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội;
– Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;
– Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định 27/2018/ NĐ – CP sửa đổi, bổ sung Nghị đinh 72/ 2013/ NĐ – CP Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định 27/2018/NĐ – CP). Chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email);
– Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;
– Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
Quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội
Điều 25 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể này bao gồm:
Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho công cộng trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp Luật;
– Công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
– Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm và các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng;
– Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;
– Không được chủ động cung cấp thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định;
– Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm;
– Cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp Luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân và người cung cấp thông tin khác trên mạng xã hội theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hướng dẫn xin giấy phép thiết lập mạng xã hội
Chưa được cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp không thể cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho cộng đồng một cách hợp pháp. Để được cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội, quý vị có thể lựa chọn một trong hai cách thức sau đây:
Thứ nhất: Tự tiến hành thủ tục:
Quý vị chuẩn bị hồ sơ sau đây nộp tại Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin:
– Đơn đề nghị theo mẫu 25 Phụ lục I Nghị định số 27/2018/NĐ-CP;
– Bản sao chứng thực hợp lệ hoặc bản sao có bản chính để đối chiếu của: Quyết định thành lập hoặc Điều lệ hoạt động hoặc Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Đề án hoạt động đầy đủ nội dung theo đúng quy định;
– Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội có các nội dung tối tiểu theo quy định của Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.
Hồ sơ được thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ (tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội) thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội theo mẫu số 26 Phụ lục I của Nghị định 27/2018/NĐ-CP, trường hợp hồ sơ bị từ chối giải quyết, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử lý
Hành vi được coi là vi phạm:
Các hành vi sau đây liên quan đến Giấy phép mạng xã hội được coi là hành vi vi phạm pháp luật bao gồm:
– Thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép hết hạn;
– Không làm thủ tục đề nghị cấp lại khi giấy phép mạng xã hội đã bị mất hoặc bị hư hỏng;
– Thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập mạng xã hội.
– Các hành vi khác quy định tại Điều 65, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Chế tài:
Tùy từng hành vi mà chế tài xử lý cũng khác nhau, theo đó, khi vi phạm các quy định về Giấy phép mạng xã hội cũng như trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng xã hội, chủ thể vi phạm sẽ phải một hoặc nhiều trách nhiệm sau đây:
– Phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng;
– Tịch thu phương tiện vi phạm;
– Tước quyền sử dụng Giấy phép từ 01 đến 03 tháng với hành vi vi phạm.
Trên đây là điều kiện chung để xin cấp giấy phép mạng xã hội, các bạn đang tìm hiểu về vấn đề xin giấy phép mạng xã hội có thể liên hệ ngay với đội ngũ luật sư trên Mylaw để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.