Lưu trú là gì?
Nếu như nơi tạm trú là nơi mà công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú thì lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Nơi thường trú là nơi sinh sống ổn định, lâu dàu và được công dân tiến hành đăng ký thường trú.
Như vậy, lưu trú là việc khi công dân đến ở lại tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi thường trú và tạm trú với mục đích nhất định trong thời hạn dưới 30 ngày. Công dân sẽ cần xác định thời gian đến cũng như thời gian đi khỏi nơi có ý định lưu trú.
Quy định về thông báo lưu trú nhằm làm đơn giản hóa những thủ tục trong việc quản lý khách vãng lai đi du lịch, thăm người thân hay chữa bệnh… Việc đăng ký lưu trú còn đảm bảo quyền lợi và lợi ích của công dân tại nơi lưu trú.
Nơi lưu trú có phải nơi cư trú không?
Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Nơi cư trú sẽ gồm có nơi thường trú và nơi tạm trú.
Nơi lưu trú chỉ là địa điểm mà công dân ở lại trong thời hạn dưới 30 ngày và không phải nơi tạm trú hay thường trú. Vì vậy, nơi lưu trú không phải là nơi cư trú.
Xin lưu trú ở đâu?
Việc xin lưu trú hay thông báo lưu trú có thể thực hiện bằng một trong các hình thức dưới đây:
- Thông báo lưu trú trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định. Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân gồm: Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
- Thông báo lưu trú qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
- Thông báo lưu trú qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
- Thông báo lưu trú qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Hướng dẫn thủ tục làm lưu trú hiện nay
Trình tự, thủ tục làm lưu trú hiện nay gồm những bước sau:
- Bước 1: Cá nhân, tổ chức thông báo lưu trú tới cơ quan đăng ký cư trú
- Bước 2: Cán bộ công an thực hiện tiếp nhận thông báo lưu trú
Cán bộ công an sẽ thực hiện tiếp nhận ngay khi công dân thông báo lưu trú. Việc thông báo lưu trú của công dân sẽ được cán bộ công an ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Làm lưu trú cần những giấy tờ gì?
Đối với công dân làm thủ tục lưu trú, các giấy tờ, thông tin cần cung cấp bao gồm: Họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, Số hộ chiếu của người lưu trú, lý do lưu trú, thời gian lưu trú và địa điểm lưu trú.
Như vậy, khi thông báo lưu trú thì công dân không cần phải chuẩn bị nhiều giấy tờ mà chỉ cần thông báo những thông tin cơ bản cá nhân. Việc đơn giản hóa thủ tục thông báo lưu trú sẽ giúp công dân thuận tiện hơn và có thể thông báo lưu trú nhanh chóng hơn, không bị rườm rà.
Ai cần làm lưu trú?
Khi có người đến lưu trú thì thành viên của hộ gia đình, người đại diện cho cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú sẽ phải có trách nhiệm thông báo về việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú với cơ quan đăng ký cư trú. Nếu người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nahan, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Thời hạn thông báo lưu trú là bao lâu?
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú. Nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú sẽ thực hiện trước 8 giờ ngày hôm sau. Trong trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú thì nhiều lần thì cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
Không đăng ký lưu trú có bị phạt không?
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì công dân nào không thực hiện đúng quy định về việc thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Vì vậy, khi đến nơi khác mà không phải nơi thường trú hay nơi tạm trú để đi du lịch, thăm người thân hay chữa bệnh… thì công dân phải tiến hành thông báo lưu trú tại địa điểm đến để tránh bị phạt.
Một số câu hỏi thường gặp khi thông báo lưu trú
Đi du lịch ở khách sạn thì có cần tự mình thông báo lưu trú không?
Theo quy định hiện hành thì khi có người đến lưu trú thì hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở lưu trú du lịch sẽ là người có trách nhiệm thông báo lưu trú tới cơ quan đăng ký về cư trú. Như vậy, khi bạn đi du lịch và nghỉ tại nhà nghỉ hay khách sạn thì bạn không cần tự mình thông báo lưu trú mà chủ khách sạn, nhà nghỉ sẽ thực hiện thủ tục thông báo lưu trú cho bạn. Nếu khách sạn, nhà nghỉ đó không thực hiện việc thông báo lưu trú thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng do vi phạm pháp luật về cư trú.
Công dân dưới 14 tuổi có cần thông báo lưu trú không?
Người dưới 14 tuổi vẫn sẽ phải thực hiện thông báo lưu trú như những cá nhân khác. Khi thông báo lưu trú, người dưới 14 tuổi không cần phải xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân nhưng sẽ phải cung cấp thông tin về nhân thân của mình.
Đăng ký lưu trú thay cho đăng ký tạm trú được không?
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống và làm việc ngoài địa phận nơi thường trú. Điều kiện để đăng ký tạm trú là công dân phải có chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao đông, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên.
Tuy nhiên, việc thông báo lưu trú chỉ áp dụng khi công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Vì vậy, trong trường hợp công dân sinh sống tại một địa điểm trên 30 ngày thì phải đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú.
Mỗi tháng tôi đều đến nhà cô tôi ở tỉnh khác để chữa bệnh trong khoảng 10 ngày. Liệu tôi có cần đăng ký lưu trú mỗi lần tới không?
Trong trường hợp bạn đến ở nhà người thân nhiều lần thì bạn chỉ cần thông báo lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú một lần khi bạn đến lưu trú lần đầu. Những lần sau bạn sẽ không cần phải thực hiện thủ tục thông báo lưu trú.
Tôi đến bệnh viện chữa bệnh ở khác tỉnh thì tôi có cần thông báo lưu trú không?
Nếu nơi chữa bệnh không phải là nơi thường trú hay nơi tạm trú thì bắt buộc phải thông báo lưu trú khi đến chữa bệnh. Trong trường hợp này thì người đại diện của cơ sở chữa bệnh sẽ là người có trách nhiệm thông báo lưu trú.
Bài viết trên đây đã giải thích chi tiết về nơi lưu trú, việc thông báo lưu trú và những trình tự, thủ tục làm lưu trú theo quy định của pháp luật. Nếu gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến việc đăng ký cư trú thì bạn có thể gửi thắc mắc về cho Mylaw để được giải đáp nhanh chóng.