Thừa kế là gì?
Những tài sản được tạo lập một cách hợp pháp bởi một người thì họ sẽ có quyền sở hữu chúng. Quyền sở hữu tài sản sẽ bao gồm quyền sử dụng, quyền chiếm hữu và quyền định đoạt. Thế nhưng khi họ chết đi, quyền sở hữu tài sản của họ sẽ được chuyển giao cho những chủ thể khác. Những chủ thể này có thể được nhận tài sản thông qua ý chí của người đã chết hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu người trước khi chết lập di chúc thì những tài sản của họ sẽ được phân chia theo di chúc và được gọi là thừa kế tài sản của người đã mất theo di chúc. Trong trường hợp không có di chúc, thì những người có mối quan hệ nhân thân, quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng với người đã chết sẽ được hưởng di sản và được gọi là thừa kế tài sản của người đã mất theo pháp luật
Di chúc là gì?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc sẽ gồm các nội dung chủ yếu như sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản
- Di sản để lại và nơi có di sản.
Thế nào là thừa kế theo di chúc?
Thừa kế theo di chúc là việc người trước khi chết có lập di chúc và di chúc đó là di chúc hợp pháp theo pháp luật thì những người được nêu tên trong di chúc sẽ được hưởng di sản. Việc hưởng di sản theo ý chí của người chết được ghi lại trong di chúc chính là thừa kế theo di chúc.
Pháp luật quy định thế nào về việc thừa kế tài sản với người chết không để lại di chúc?
Pháp luật quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, thừa kế tài sản với người chết không để lại di chúc sẽ được thực hiện theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo đó, thừa kế tài sản với người chết không để lại di chúc sẽ tuân theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Khi chồng chết vợ có được toàn quyền thừa kế không?
Khi chồng chết vợ có được toàn quyền thừa kế không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: di chúc của chồng, những người thuộc cùng hàng thừa kế nhất còn sống hay không, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có bị truất quyền thừa kế hay không và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có từ chối nhận di sản hay không.
Như vậy, khi chồng chết thì nếu chồng có để lại di chúc thì việc xác định những người thừa kế phải được thực hiện theo di chúc. Trong trường hợp chồng không để lại di chúc thì tài sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất. Trong trường hợp những người ở hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn một mình vợ hoặc những người khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất bị truất quyền hưởng di sản hay từ chối nhận di sản thì vợ sẽ được toàn quyền thừa kế.
Phân chia tài sản thế nào nếu chồng chết mà không để lại di chúc?
Chồng chết mà không để lại di chúc thì tài sản sẽ được phân chia theo quy định thừa kế theo pháp luật. Phân chia di sản theo pháp luật được quy định như sau:
- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Việc chồng chết mà không để lại di chúc thì sẽ không ảnh hưởng đến quyền thừa kế của những người có quyền thừa kế. Trong trường hợp này, những người có quyền thừa kế theo pháp luật sẽ được quyền thừa kế di sản của người đã chết.