Thế nào là quyền thừa kế?
Quyền thừa kế là quan hệ giữa các chủ thể trong việc để lại di sản và nhận di sản thừa kế được sự điều chỉnh bằng pháp luật. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Ngoài cá nhân, thì tổ chức cũng là đối tượng có thể có quyền hưởng di sản của người đã chết. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Quyền thừa kế tài sản khi cha mẹ mất được quy định thế nào?
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Nếu cha mẹ lập di chúc thì quyền thừa kế tài sản khi cha mẹ mất sẽ theo quy định của pháp luật. Di sản mà cha mẹ để lại sẽ được chia theo thứ tự của các hàng thừa kế. Trong trường hợp cha mẹ có lập di chúc thì quyền thừa kế tài sản khi cha mẹ mất sẽ dựa vào nội dung của di chúc.
Đối với trường hợp thừa kế tài sản theo di chúc thì các phần tài sản được chia sẽ phụ thuộc vào ý chí của người mất, chủ thể được nhận di sản có thể là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Trường hợp thừa kế tài sản theo pháp luật thì các phần tài sản sẽ được chia cho những cá nhân có quan hệ nhân thân, quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc đối với người đã chết.
Cha mẹ mất không có di chúc thì phân chia di sản như thế nào?
Nếu không để lại di chúc thì quyền thừa kế tài sản khi cha mẹ mất sẽ tuân theo quy định về thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Phân chia di sản theo pháp luật được quy định như thế nào?
Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Phân chia di sản theo di chúc thế nào?
Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
Khi phân chia di sản của bố mẹ để lại cần phải xác định xem là phân chia theo thừa kế di chúc hay phân chia theo thừa kế pháp luật để tiến hành việc phân chia theo đúng thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản thừa kế, tránh những tranh chấp trong quá trình chia di sản.