Phạm Văn Cung (40 tuổi) từng có pháp danh là Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang, Vĩnh Long, bị VKSND tỉnh Vĩnh Long truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả bị bắt cóc, đốt áo bị cháy để lừa đảo
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Vĩnh Long, vào năm 2015, trong chương trình vòng tay nhân ái tổ chức tại TPHCM, Phạm Văn Cung đã tìm cách tiếp cận và làm quen với bà N.T.H.P (sinh năm 1972). Sau đó, Cung mời bà P đến tham quan chùa Phước Quang và Trung tâm Suối nguồn tình thương tại Vĩnh Long.
Biết bà P. là người giàu có, Cung nói dối do xây dựng các hạng mục của nhà chùa và trung tâm còn thiếu nợ số tiền 6,5 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. Tin lời, bà P. đem 700 triệu đồng cho Cung mượn.
"Cựu" trụ trì còn dựng nên câu chuyện bắt cóc, thuê một số người làm nghề bốc vác ở cửa khẩu Lạng Sơn đóng giả làm bọn bắt cóc, còn Cung giả giọng run sợ, hoảng hốt để nạn nhân tin là có thật. Sau đó, bà P. đã chuyển cho Cung hơn 5,7 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, Cung tiếp tục sử dụng điện thoại số ở Trung Quốc nhắn tin cho bà P. nói rằng hắn đang nợ 7 tỷ đồng và đang bỏ trốn sang Trung Quốc không dám về Việt Nam. Cung gửi kèm hình ảnh đang mặc áo thầy tu, một phần vạt áo bị đốt cháy, đang lẩn trốn trong rừng và yêu cầu chuyển tiền. Bà P. tin đó là thật và tiếp tục chuyển hơn 7 tỷ đồng cho Cung.
Tháng 6/2015, Cung tiếp tục nói đang bệnh rất nặng và đã bỏ trốn, còn thiếu chủ nợ khác 4,5 tỷ đồng. Nạn nhân tin tưởng chuyển khoản hơn 4 tỷ đồng, số còn lại đưa tiền mặt theo hướng dẫn của Cung.
Tháng 7/2015, Cung cùng với đồng bọn nhờ người khác đóng giả làm chủ tiệm cầm đồ. Cung nói với nạn nhân đang cầm cố ô tô và nhờ chuộc giúp, sau đó chiếm đoạt 600 triệu đồng.
Tổng số tiền Cung chiếm đoạt của bà P. là hơn 18 tỷ đồng. Sau đó, Cung trả cho nạn nhân gần 6 tỷ đồng và nhờ người khác chuyển trả một tỷ đồng. Tổng số tiền Cung còn chiếm đoạt của nạn nhân là 11,6 tỷ đồng.
"Nổ" bản thân là đặc phái viên quốc tế để đánh bóng tên tuổi
Sau khi lừa đảo được bà P, năm 2017 trong một dịp lễ hội đến thờ mẫu tại chùa ở Hà Nội, Phạm Văn Cung đã chủ động làm quen với bà B.T.N (sinh năm 1972).
Phạm Văn Cung thời điểm chưa bị bắt (Ảnh: CTV).
Với màn kịch cũ, Cung tiếp tục mời bà N đến chùa Phước Quang để tham quan. Khi chiếm được lòng tin của bà N. Cung dùng số điện thoại 0909.997.999 nhắn tin nội dung Cung bị xã hội đen bắt ép, dọa giết.
Trước khi thực hiện hành vi này, Cung đã bàn bạc với đồng bọn rất kỹ và bà N đã tin tưởng, gửi hơn 26 tỷ đồng để cứu Cung.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 10/2018 Cung gặp bà H.T.Y (sinh năm 1965) tại Liên bang Nga. Cung chủ động làm quen và xin số điện thoại bà Y.
Tháng 1/2019, khi về Việt Nam Cung liên lạc với bà Y và "nổ" là "đặc phái viên của Ủy ban tuyên dương khen thưởng Phật giáo Chính phủ Sri Lanka", thường được cử đi nước ngoài để làm "mật vụ, tình báo" trong các lĩnh vực tôn giáo nhạy cảm.
Cung bịa ra có mối quan hệ quen biết với rất nhiều lãnh cấp cao và tự ghép hình ảnh chụp chung với lãnh đạo để tạo lòng tin với bà Y. Khi bà Y tin tưởng Cung đưa ra nhiều thông tin gian dối để bà Y. chuyển khoản và đưa tiền mặt cho Cung 11 lần với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, Cung còn hỏi mượn tiền bà Y. mua ô tô đi lại.
Ở một vụ việc khác, năm 2020, Cung gặp ca sĩ H.Q.H tại TPHCM. Khi biết nữ ca sĩ có người bạn đang ở nước ngoài, mong muốn về Việt Nam định cư hợp pháp và đang cần người giúp làm thủ tục. Phạm Văn Cung tiếp tục nổ y là "mật vụ, tình báo" và có thể lo vụ này.
Cung yêu cầu ca sĩ H. "đóng phí" hồ sơ một triệu USD và chuyển trước 50% hắn mới giúp đỡ. Tin lời gã sư "hổ mang", nữ ca sĩ đã chuyển hơn 13 tỷ đồng cho Cung.
Theo cáo trạng của viện kiểm sát, với vai trò chủ mưu, được sự giúp sức của Lê Nguyên Khoa và Nguyễn Tuấn Sĩ, Phạm Văn Cung đã lừa đảo trót lọt của 4 bị hại nói trên tổng số tiền gần 68 tỷ đồng. Số tiền lừa đảo Cung chia cho các đồng phạm, dùng trả nợ và tiêu xài cá nhân.