Thắc mắc về thẻ căn cước công dân gắn chip
Pháp luậtTư vấnChủ nhật, 21/3/2021, 08:49 (GMT+7)
Ba thắc mắc về thẻ căn cước công dân gắn chip
Tôi có thẻ căn cước gắn mã vạch nhưng vẫn phải mang giấy chứng nhận số chứng minh thư cũ khi giao dịch, nếu dùng thẻ gắn chip tôi có cần đến tờ giấy kia? (Minh Quân, Hà Nội).
Bộ Công an trả lời
- Mặt trước Căn cước công dân mẫu mới có mã QR code lưu trữ 7 trường thông tin của công dân, trong đó có thông tin về số chứng minh thư cũ, do vậy bạn sẽ không cần cấp giấy chứng nhận số cũ.
Trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng chức năng quét mã QR code để kiểm tra thông tin nhân thân, số Chứng minh nhân dân của công dân trên căn cước công dân thay vì yêu cầu công dân xuất trình giấy chứng nhận.
Ngoài ra, mặt sau của thẻ căn cước công dân mẫu mới có gắn chip điện tử lưu giữ hàng chục thông tin cá nhân như nhận diện khuôn mặt, vân tay... tạo điều kiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Ngày 1/7 là thời điểm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện và tích hợp, kết nối với dự án căn cước công dân. Khi đó, người dân đi giải quyết thủ tục hành chính, chỉ cần trình thẻ căn cước mới có thể tra cứu, hoàn thiện thủ tục không cần phải mang nhiều giấy tờ như hiện nay.
- Tôi đang dùng chứng minh thư 12 số vậy có cần phải cấp thẻ căn cước gắn chip? (Nguyễn Văn An, Vĩnh Phúc)
- Thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp cho tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, những người có chứng minh thư 9 số, 12 số sắp hết hạn nằm trong diện đổi sang thẻ căn cước mới. Tuy nhiên với các trường hợp mới làm thẻ căn cước mã vạch nếu còn hạn vẫn được sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ.
Những công dân đã có thông tin đầy đủ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin không có sự thay đổi hoặc bổ sung thì sẽ không phải kê khai giấy tờ gì. Chỉ cần lăn tay, chụp ảnh và xác nhận thông tin vào tờ khai cảnh sát in sẵn để hoàn thiện.
Công dân đã có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng thông tin chưa đủ hoặc có sự thay đổi, bổ sung hoặc công dân không có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân từng được cấp và còn giá trị sử dụng...
Công dân chưa có thông tin trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân.
Lệ phí cấp Căn cước công dân đến ngày 30/6 là 15.000 và từ 1/7 là 30.000 đồng mỗi thẻ; đổi Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được: 50.000 đồng.
Các trường hợp miễn lệ phí: Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới, huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp Căn cước công dân lần đầu...
- Tôi đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng hộ khẩu ở Nam Định. Hiện nay, Chứng minh nhân dân của tôi đã hết hạn, vậy có thể được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip ở Hà Nội không? (Nguyễn Thanh Sơn, Nam Định)
- Theo quy định, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân chưa hoàn thiện và kết nối, người dân có hộ khẩu thường trú ở đâu sẽ làm thủ tục cấp đổi ở nơi đó.
Ngày 1/7 khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, kết nối với dữ liệu căn cước công dân, người dân có thể đến bất kỳ trụ sở công an quận, phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ở địa phương nào để làm thủ tục cấp đổi.
Bộ Công an đang trong đợt cao điểm cấp thẻ căn cước công dân gắn chip và xuống các tổ dân phố, trường học, cơ quan, xí nghiệp để cấp thẻ mới cho người dân, công dân có thể theo dõi để được làm thủ tục sớm nhất.