Có phải thay đổi giấy khai sinh cho con khi chuyển khẩu không?
– Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của Giấy khai sinh như sau:
“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân;
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.
– Điều 26 Luật hộ tịch 2014 quy định về Phạm vi thay đổi hộ tịch như sau:
“ 1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.”
– Và Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định điều kiện thay đổi cải chính hộ tịch như sau:
“1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.”
Như vậy, theo các quy định trên thì phạm vi thay đổi hộ tịch là thay đổi họ, tên, chữ đệm của cá nhận trong nội dung khai sinh hay là thay đổi thông tin của cha, mẹ trong nội dung khai sinh khi được nhận con nuôi. Và việc thay đổi này chỉ được thực hiện khi xác định được lỗi thuộc về công chức làm công tác hộ tịch hoặc là của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Xét trong trường hợp của bạn, hai người con bạn không bị sai về họ, tên, chữ đệm nên không thuộc pham vi thay đổi hộ tịch. Do đó,việc bạn đã khai sinh cho con tại Hòa Bình và hiện thay đổi nơi cư trú từ Hòa Bình xuống Hà Nội thì không cần phải thay đổi giấy khai sinh cho con.