Không thể ly hôn nếu một trong hai vắng mặt tại phiên tòa?
Quyền ly hôn là quyền nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác. Do đó, nếu muốn giải quyết ly hôn, vợ chồng phải trực tiếp tham gia và không được ủy quyền cho người khác thay mình tố tụng, theo khoản 4 điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn, nếu vợ chồng hòa giải thành công, tòa sẽ đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn. Trường hợp hai bên không thể hòa giải, Tòa án sẽ xem xét các thỏa thuận về việc chia tài sản chung, chăm sóc, nuôi dưỡng con, đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ, con. Vì vậy, hai bên phải có mặt để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp đơn phương ly hôn, tòa vẫn giải quyết nếu:
- Một trong hai bên có đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt;
- Vợ/chồng vắng mặt nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;
- Vợ/chồng vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Sau hai lần triệu tập, nếu người nộp đơn vẫn không có mặt, tòa sẽ coi là từ bỏ việc khởi kiện và ra quyết định đình chỉ vụ án.
Nếu bị đơn vắng mặt khi tòa án triệu tập lần thứ nhất thì phiên tòa sẽ bị hoãn. Nếu lần thứ 2 triệu tập mà bị đơn vẫn không có mặt thì tòa sẽ xử vắng mặt.
Như vậy, tòa vẫn xét xử nếu một trong hai người vắng mặt. Nhưng nếu vắng mặt tại phiên tòa, người đó sẽ không được thực hiện một số quyền tố tụng và bị ảnh hưởng đến quyền lợi.