Các nhà khoa học Mỹ ghi nhận sự gia tăng hoạt động trong não người sắp chết, giống như họ đang tỉnh táo, ngay cả sau khi họ ngừng thở.
Trải nghiệm cận tử là một hiện tượng nổi tiếng chưa được khoa học lý giải xác đáng.
Nhiều người "trở về" từ cõi chết kể lại những trải nghiệm khác thường của họ. Họ nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, người lại mô tả cảm giác "hồn lìa khỏi xác", lơ lửng bên ngoài cơ thể. Nhiều người cho biết họ nhìn thấy cả cuộc đời vụt qua ngay trước mắt như một cuốn phim.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan (Mỹ) đã tìm thấy bằng chứng về sự gia tăng hoạt động của não liên quan đến ý thức ở hai bệnh nhân sắp chết, lý giải trải nghiệm cận tử của con người.
Bài báo được công bố hôm 1-5 trong kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia (PNAS), Mỹ.
Mặc dù không phải nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng cận tử, nhưng nghiên cứu này khác biệt do được trình bày chi tiết theo cách "chưa từng được thực hiện trước đây", tiến sĩ Jimo Borjigin khẳng định với Hãng tin AFP.
"Đây cũng có lẽ là nghiên cứu đầu tiên thực sự chỉ ra từng giây bộ não chết như thế nào", bà nói thêm.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi điện não đồ của bốn bệnh nhân chết do ngừng tim. Họ được loại bỏ các thiết bị hỗ trợ sự sống sau khi xác định không thể can thiệp y tế thêm.
Khi tháo máy thở, hai trong số bốn bệnh nhân, gồm một phụ nữ 24 tuổi và một phụ nữ 77 tuổi - được ghi nhận có nhịp tim tăng lên cũng như gia tăng của sóng não ở tần số gamma. Đây là hoạt động não nhanh nhất và liên quan đến ý thức.
Khi kiểm tra vùng nào của não sáng lên, nhóm phát hiện các hoạt động trong "vùng nóng" của võ não sau, bao gồm thùy thái dương, thùy đỉnh và thùy chẩm.
"Nếu phần não này sáng lên, điều đó có nghĩa là bệnh nhân đang nhìn thấy thứ gì đó, có thể nghe thấy thứ gì đó và có thể cảm nhận được những cảm giác bên ngoài cơ thể", tiến sĩ Borjigin nói, đồng thời cho biết thêm rằng vùng này đang "bốc cháy".
Kết quả phân tích được củng cố qua việc theo dõi hoạt động từng giây của não và tim cho đến khi bệnh nhân chết.
Tuy vậy, bà Borjirin cho biết chưa rõ tại sao hai bệnh nhân còn lại không có dấu hiệu tương tự. Bà suy đoán tiền sử co giật của hai nữ bệnh nhân có trải nghiệm cận tử đã góp phần kích thích não bộ của họ.
Cũng không thể xác nhận liệu các bệnh nhân thực sự "nhìn thấy" điều gì không vì họ cũng không còn sống để kể lại.
Trong tương lai, bà Borjigin hy vọng sẽ thu thập được dữ liệu của hàng trăm người nữa, gia tăng cơ hội một vài bệnh nhân sẽ "sống sót" để kể lại trải nghiệm.