Chuyển khẩu là gì?
Chuyển khẩu hay chuyển hộ khẩu là việc một người đang có tên trong hộ khẩu này, làm thủ tục xóa tên để chuyển sang một hộ khẩu khác. Việc này thường xảy ra khi công dân chuyển nơi thường trú.
Khi nào cần chuyển khẩu?
Đối với người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Như vậy, công dân sẽ cẩn thực hiện thủ tục chuyển khẩu khi thay đổi nơi ở và đủ điều kiện để đăng ký thường trú tại nơi ở mới.
Chuyển khẩu online thế nào?
Theo quy định mới nhất của Luật Cư trú thì hiện nay thủ tục chuyển khẩu chính là thủ tục đăng ký thường trú. Theo đó, khi công dân thay đổi địa điểm cư trú thì sẽ tiến hành đăng ký thường trú tại nơi ở mới khi đủ điều kiện.
Hiện nay, nhằm thuận tiện cho công dân thì Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp dịch vụ chuyển hộ khẩu trực tuyến hay chính là dịch vụ đăng ký thường trú trực tuyến. Các bước xin chuyển khẩu online như sau:
Bước 1: Đăng ký/Đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia và chọn dịch vụ đăng ký đăng ký thường trú
Cổng dịch vụ công Quốc gia
Bước 2: Nhập các thông tin nơi đăng ký thường trú
Bước 3: Đính kèm các văn bản, giấy tờ cần thiết
Các giấy tờ cần thiết khi chuyển hộ khẩu trực tuyến bao gồm:
Đối với công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình:
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
Xem thêm: Giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú CT07
Đối với công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
- Đối với công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Đối với công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nhà tu hành, chức sắc, chức việc hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo đó theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng;
- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.
Bước 4: Chọn hình thức nhận kết quả và gửi hồ sơ.
Chuyển hộ khẩu trực tuyến mất bao lâu?
Theo quy định hiện hành thì trong 07 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, thì công dân sẽ nhận được kết quả đăng ký thường trú tại nơi ở mới.
Bài viết trên đã giải thích chi tiết về thủ tục chuyển khẩu cũng như quy trình chuyển hộ khẩu trực tuyến mới nhất. Khi công dân có nhu cầu đăng ký thường trú tại nơi ở mới thì nên lựa chọn dịch vụ chuyển hộ khẩu trực tuyến để tiết kiệm thời gian cũng như không cần đến Cơ quan có thẩm quyền để trực tiếp làm.