Tranh chấp lao động là gì?
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Tranh chấp lao động được chia thành các trường hợp sau:
- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Trên thực tế, tranh chấp lao động thường xảy ra nhất là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động và nhóm người lao động với người sử dụng lao động. Những tranh chấp này xảy ra phổ biến nhất là do người sử dụng lao động vi phạm những nghĩa vụ của mình như không trả đủ tiền lương theo thỏa thuận, chậm lương hoặc bắt người lao động làm việc quá thời giờ, đuổi việc không lý do… Ngoài ra tranh chấp lao động cũng thường xảy ra khi người lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng lao động hoặc gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.
Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân?
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động;
- Tòa án nhân dân.
Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân qua hòa giải viên lao động
Khi tranh chấp lao động xảy ra, trước tiên phải giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Giải quyết tranh chấp lao động bằng hòa giải
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Nếu phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
Khi hết hạn hòa giải mà các bên trong tranh chấp không hòa giải thành công thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau:
- Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết
- Yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thủ tục trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân qua Hội đồng trọng tài
Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, Ban trọng tài lao động sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp. Trong vào 30 ngày tiếp theo, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Các bên trong tranh chấp lao động có thời gian bao lâu để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết?
- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm
- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Trên đây là trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Trong thực tế, đây là loại tranh chấp lao động rất hay gặp. Các bên trong tranh chấp cần chú ý thời hiệu để yêu cầu cơ quan, đơn vị khác giải quyết tranh chấp cũng như nắm rõ trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động để bảo vệ quyền lợi cho mình khi tranh chấp xảy ra.