Tranh chấp về lao động không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở thì mới được quyền khởi kiện
Cụ thể, đối với các tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thuộc một trong số các tranh chấp sau đây thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Đối với các tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong các trường hợp còn lại thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải. Trong các trường hợp: hòa giải thành mà các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng; hòa giải không thành và hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mới được quyền khởi kiện.
Đối với tranh chấp lao động tập thể thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải.
Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà tranh chấp về lao động sẽ bắt buộc hoặc không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở thì mới được quyền khởi kiện.