Công ty TNHH một thành viên là gì?
Chúng ta đã nghe nói nhiều đến cụm từ “Công ty TNHH 1 thành viên”, vậy Công ty TNHH 1 thành viên là gì? Thủ tục pháp lý để thành lập công ty tnhh 1 thành viên thế nào? công ty TNHH một thành viên chỉ có một thành viên duy nhất làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu của Công ty TNHH 1 thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đối với loại hình này, chủ sở hữu công ty có thể là cá nhân hay tổ chức, mà không bị bắt buộc phải do pháp nhân thành lập theo quy định cũ trước đây
Theo Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2014:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
Từ quy định nêu trên, có thể rút ra những đặc điểm cơ bản của công ty TNHH một thành viên như sau:
- Là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu;
- Chủ sở hữu chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty;
- Có tư cách pháp nhân;
- Không được quyền phát hành cổ phần.
Thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên
Để thủ tục thành lập công ty được thực hiện thuận lợi nhất, chúng tôi khuyến nghị khách hàng tìm hiểu những quy định cần thiết dưới đây, cũng như tiến hành thực hiện theo trình tự các bước nhất định.
1. Về tên công ty TNHH một thành viên
Cách đặt tên công ty đẹp, đúng pháp luật là một vấn đề quan trọng khi thành lập công ty.
1.1 Về tên tiếng Việt của công ty TNHH một thành viên
Phải bao gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”; và Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
1.2 Về tên bằng tiếng nước ngoài của công ty một thành viên
Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
1.3 Về tên viết tắt:
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
2. Về trụ sở công ty TNHH một thành viên
Trụ sở chính của doanh nghiệp phải có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Lưu ý: Theo quy đinh định tại Luật nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015, trụ sở công ty TNHH một thành viên không được đặt tại căn hộ chung cư, diện tích thuộc nhà chung cư trừ trường hợp trụ sở đặt tại phần Trung tâm thương mại và/hoặc văn phòng của các tòa nhà hỗn hợp (Trung tâm thương mại/văn phòng và nhà ở).
3. Về ngành nghề kinh doanh của công ty TNHH một thành viên
Chủ sở hữu Công ty lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg để đăng ký. Công ty có thể ghi ngành nghề kinh doanh chi tiết hơn ngay dưới ngành cấp bốn.
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
4. Về vốn điều lệ
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn.
Hiện tại, không có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu phải góp khi thành lập doanh nghiệp, trừ một số trường hợp mà pháp luật có quy định doanh nghiệp phải đảm bảo số vốn tối thiểu (Vốn pháp định) để hoạt động trong ngành, nghề đó.
Như vậy qua phần giới thiệu bên trên cho bạn khái niệm Công ty TNHH 1 thành viên là gì? Và thủ tục, giấy tờ thành lập Công ty TNHH 1 thành viên gồm những gì. Để biết thêm thông tin bạn có thể liên hệ nhờ sự tư vấn của các Luật sư trên hệ thống Mylaw.vn. Trân trọng!