Gửi thắc mắc tới Bộ Công an, người dân này cho biết, gia đình mình có cho một người hàng xóm vay 400 triệu đồng trong thời hạn 3 năm, có giấy vay tiền và có chữ ký của người vay. Tuy nhiên, kể từ ngày vay đến nay đã là 11 năm và đã nhiều lần yêu cầu trả số tiền đã vay nhưng người hàng xóm nói “không vay tiền” và “chữ ký trong giấy vay tiền là chữ ký giả mạo”.
“Nếu kết quả giám định cho thấy chữ ký trên giấy vay tiền là đúng của người hàng xóm nhà tôi thì người đó có bị xử lý theo tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không? Ngoài ra, việc giám định chữ ký thì giám định ở đâu và thủ tục như thế nào?”- người dân thắc mắc.
Hàng xóm vay 400 triệu 11 năm không trả, xử lý như thế nào? - 1Nhấn để phóng to ảnh
(Ảnh minh hoạ).
Giải đáp việc này, Bộ Công an cho biết Hợp đồng vay tiền là một trong những hợp đồng dân sự phổ biến hiện nay, tồn tại rất nhiều trong đời sống xã hội cho dù là thành thị hay ở nông thôn.
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
“Như vậy, đầu tiên cần khẳng định rằng hành vi vay tiền nhưng không trả là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này được thể hiện rõ tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay”- Bộ Công an cho hay.
Cụ thể, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý…
Khi đến hạn mà người vay không trả tiền, ngoài các trường hợp vi phạm nghĩa vụ dân sự thông thường nêu trên thì có thể liên quan đến trách nhiệm hình sự khi người vay thực hiện một số hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra cấp huyện nơi cư trú kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết tố giác về tội phạm như: giấy vay tiền có chữ ký của người vay, bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền hay nội dung email, người làm chứng xác nhận có vay tiền…. Đồng thời đề nghị cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Bộ Công an cho biết, sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và tiến hành các hoạt động điều tra như: thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trưng cầu giám định…
Nếu người vay tiền khai không vay tiền và chữ ký trên giấy vay tiền là giả mạo nhưng kết quả trưng cầu giám định cho thấy chữ ký là đúng thì cơ quan điều tra sẽ xem xét, đánh giá những tài liệu đã xác minh, thu thập nhằm làm rõ người này có “thủ đoạn gian dối” hoặc thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự để chiếm đoạt tài sản hay không?
Nếu có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để tiến hành điều tra theo luật định.
Nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Khi đó, để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phải khởi kiện vụ án tại TAND cấp huyện nơi cư trú.
“Hiện nay Viện Khoa học hình sự; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các tổ chức giám định tư pháp công lập có chức năng giám định chữ ký. Để kết quả giám định có giá trị pháp lý, nên liên hệ với TAND hoặc cơ quan công an nơi gia đình cư trú để được giải quyết theo đúng thẩm quyền và trình tự pháp luật”- Bộ Công an tư vấn.