Bạn đọc Nguyễn Thanh Tâm (TP HCM) hỏi: Nếu tôi làm mất sổ đỏ, người nhặt được sổ đỏ có thể đem cầm cố ngân hàng để lấy tiền được không?
- Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam - trả lời: Theo quy định tại điều 309 Bộ Luật Dân sự 2015: "Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ".
Sổ đỏ hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là giấy tờ của nhà nước xác nhận QSDĐ hợp pháp của một cá nhân hay tổ chức... GCNQSDĐ không phải là tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nên không thể cầm cố mà sổ đỏ chỉ có thể đem đi thế chấp.
Theo quy định tại khoản 1 điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDĐ; góp vốn bằng QSDĐ như sau:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDĐ; góp vốn bằng QSDĐ khi có các điều kiện sau đây: Có giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 điều 168 của luật này; đất không có tranh chấp; QSDĐ không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất".
Theo quy định trên, chỉ có người sử dụng đất hợp pháp được pháp luật công nhận, đứng tên trên GCNQSDĐ mới được thực hiện các giao dịch liên quan đến QSDĐ. Người nhặt được GCNQSDĐ không phải là người sử dụng đất sẽ không được thế chấp QSDĐ này.
Việc thế chấp QSDĐ tại ngân hàng, nếu không có chữ ký hoặc giấy ủy quyền của người sử dụng đất thì giao dịch thế chấp vô hiệu do không đáp ứng được điều kiện có hiệu lực về mặt chủ thể.