1. Thực hiện điều hành xuất khẩu gạo
Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo 163/TB-VPCP ngày 21/4/2020 về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn tại Công văn 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020; Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Tài chính như sau:
1. Việc xuất khẩu nếp (bao gồm: thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 được thực hiện theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tại Công văn 2827/VPCP-KTTH.
Số lượng gạo nếp đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu trong tháng 4, kể cả số lượng đã thực xuất, được cộng trở lại số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4.
2. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu cơ quan Hải quan tại các cửa khẩu quốc tế:
- Thống kê số lượng gạo của các thương nhân hiện đang ở cảng/cửa khẩu nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu theo phương thức điều hành xuất khẩu gạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 2827/VPCP-KTTH (cụ thể theo tên thương nhân, lượng gạo tồn tại cảng, ngày đưa hàng vào cảng/bãi…);
- Thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ (thí dụ như không có số container và/hoặc số seal và/hoặc tên tàu và cho tới nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng ký).
3. Trên cơ sở thống kê số lượng gạo còn tồn đọng tại các cảng, số lượng tờ khai có biểu hiện khai khống mà Tổng cục Hải quan báo cáo, Bộ Công Thương đề nghị quý Bộ cho ý kiến gấp về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng để xử lý cho các thương nhân có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan để 2 Bộ cùng phối hợp xem xét, quyết định phương án xử lý trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, dễ thực hiện, dễ giám sát.
4. Đề nghị quý Bộ phối hợp chỉ đạo Tổng cục Hải quan định kỳ cung cấp cho Bộ Công Thương số liệu xuất khẩu gạo như Bộ Công Thương đã đề nghị tại Công văn 2683/BCT-XNK ngày 15/4/2020.
Công văn 2284/BCT-XNK được ban hành ngày 22/4/2020.
2.Thanh tra việc chấp hành quy định về xuất khẩu gạo
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong thời gian qua.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.
Việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.
3.Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo
Tại văn bản số 3083/VPCP-KTTH ngày 17/4/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4/2020, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/4/2020.
Trước đó, tại văn bản số 2969/VPCP-KTTH ngày 15/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các Bộ: Công Thương và Tài chính báo cáo về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo. Theo đó, Bộ Tài chính phải báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Sau cuộc họp ngày 20/4, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Chính sách thuế đối với hàng sản xuất xuất khẩu
Để tháo gỡ vướng mắc cho DN trong quá trình sản xuất XK, Tổng cục Hải quan đã chủ động giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất XK trên cơ sở các vướng mắc do DN nêu.
Trước vướng mắc của Công ty Luật TNHH VCI Legal liên quan đến chính sách thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất XK,
Tổng cục Hải quan cho biết, với vướng mắc DN nêu có thể sẽ xảy ra hai trường hợp.
Trường hợp DN thuê cơ sở vật chất phục vụ sản xuất XK thì Khoản 7, Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; Khoản 1, Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định về miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng XK.
Theo đó, cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế, Khoản 2, Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: “a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan; b) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã XK…”.
Khoản 36, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định về thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa XK; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm XK; hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công.
Tổng cục Hải quan cho biết, theo các quy định nêu trên, trường hợp DN NK hàng hóa để sản xuất hàng XK nhưng không trực tiếp sản xuất mà đưa một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đã NK cho DN khác thực hiện gia công một hoặc một số công đoạn, sau đó nhận lại sản phẩm để XK thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP nên không được miễn thuế NK đối với phần hàng hóa NK đưa đi gia công bên ngoài.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN thuê nhà xưởng, máy móc, thiết bị của DN khác; có quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan thì được áp dụng việc miễn thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế cũng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Trong trường hợp DN thuê gia công lại để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài, theo Tổng cục Hải quan, Khoản 6, Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK; Khoản 1, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn thuế đối với hàng hóa NK để gia công, sản phẩm gia công XK.
Theo đó, tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế: “a) Tổ chức, cá nhân có hợp đồng gia công theo quy định của Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Người nộp thuế kê khai trên tờ khai hải quan các thông tin về số, ngày hợp đồng gia công, tên đối tác thuê gia công; b) Người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế có cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thông báo cơ sở gia công, sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan và thông báo hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan; c) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK được sử dụng để gia công sản xuất sản phẩm đã XK…”.
Cũng tại Khoản 41, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung Điều 62 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan đối với trường hợp thuê gia công lại.
Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, DN NK nguyên liệu, vật tư gia công theo hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài, có thuê tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam gia công lại nếu đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì được miễn thuế NK.
Hiệp hội thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc kiến nghị miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất sản phẩm XK.
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, tại Luật Thuế XK, thuế NK; Nghị định 134/2016/NĐ-CP không quy định miễn thuế đối với các trường hợp DN NK nguyên liệu, vật tư để sản xuất XK nhưng giao cho đơn vị khác gia công, sản xuất lại một một số công đoạn.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, vấn đề DN thắc mắc, ngày 29/10/2019 Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn 6786/TCHQ-TXNK trả lời Hiệp hội. Theo đó, công văn đã nêu rõ, từ ngày 1/9/2016, trường hợp, tổ chức cá nhân NK hàng hóa để sản xuất hàng XK nhưng không trực tiếp sản xuất toàn bộ hàng hóa XK mà đưa một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đã NK cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công một hoặc một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất XK thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa miễn thuế theo quy định.
Tổng cục Hải quan đề nghị trước mắt các tổ chức, cá nhận NK hàng hóa để sản xuất hàng XK thực hiện theo quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Trong đó, Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của các đơn vị và sửa đổi, bổ sung quy định về việc miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất XK nhưng thuê đơn vị khác gia công lại. Theo đó, trường hợp Chính phủ thông qua dự thảo Nghị định như trên thì vướng mắc của Hiệp hội sẽ được tháo gỡ kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
5.Thủ tục kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Theo quy định của pháp luật thì thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trước khi được xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thì các thương nhân phải trải qua bước kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.
Theo đó, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 107/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 01/10/2018) thì thủ tục kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được thực hiện như sau:
1. Thương nhân tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai, về các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quy định tại Điều 6 và việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và gửi kèm theo biên bản kiểm tra.
3. Theo kế hoạch định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm quy định tại khoản 2 Điều này và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.