Tỉnh Bắc Kạn được hình thành từ đâu?
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, vào thời kỳ nhà nước Văn Lang dưới sự cai quản của các Vua Hùng, vùng đất Bắc Kạn ngày nay nằm trong bộ Vũng Định. Thời nhà Lý, vùng đất này thuộc phủ Phú Lương. Năm 1460, phủ Phú Lương đổi thành thừa tuyên Ninh Sóc. Năm 1490, nhà Lê tách một phần đất phía bắc của thừa tuyên Ninh Sóc đặt thêm phủ Thông Hóa. Bắc Kạn nằm trong phủ Thông Hóa, thuộc xứ Thái Nguyên.
Năm 1831, nhà Nguyễn cho đổi xứ Thái Nguyên thành tỉnh Thái Nguyên, gồm 2 phủ: Phú Bình và Thông Hóa. Sau đó, nhà Nguyễn tách một số châu, huyện thuộc phủ Phú Bình, lập thêm phủ mới - phủ Tòng Hóa.
Tháng 4/1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên gồm bốn châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hoá (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn), để thành lập tỉnh Bắc Kạn.
Năm 1916, thực dân Pháp cắt một phần đất phía tây châu Bạch Thông và phần đất phía Nam châu Chợ Rã để lập ra châu Chợ Đồn. Vào thời gian đó, Bắc Kạn có 5 châu, 20 tổng và 103 xã, bản với số dân 36.000 người.
Tên gọi Bắc Kạn có ý nghĩa gì?
Theo Cổng thông tin điện tử TP Bắc Kạn, địa danh Bắc Kạn xuất hiện trong các văn bản lần đầu vào khoảng thế kỷ XVII.
Theo nhân dân địa phương, từ Bắc Kạn được gọi chệch từ chữ "Pác cáp" của tiếng Tày, có nghĩa là nơi hợp lưu của các dòng chảy.
Bắc Kạn từng sáp nhập với tỉnh nào?
Năm 1965, Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Đến năm 1978, nước ta phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Theo đó, hai huyện Ngân Sơn, Chợ Rã (Ba Bể) thuộc Bắc Thái được tách ra và nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Đến năm 1996, tỉnh Bắc Thái được chia ra thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng cũng được trở về tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, trong đó có thành phố Bắc Kạn và 7 huyện gồm: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm. Diện tích tự nhiên của tỉnh khoảng 486.000 hecta, dân số khoảng 314.000 người (năm 2019).
Dân tộc nào chiếm dân số đông nhất của tỉnh Bắc Kạn
Tỉnh Bắc Kạn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, 7 dân tộc phổ biến là Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa và Sán Chay.
Theo thống kê, năm 2019, Bắc Kạn có gần 314.000 người, ít nhất cả nước. Trong đó, dân tộc Kinh có 37.615 người, chiếm khoảng 12%; dân tộc Tày có 165.055 người, chiếm 52,6%; còn lại là các tộc người khác.
Bắc Kạn là thượng nguồn của con sông nào?
Sông Cầu có tên gọi khác là sông Như Nguyệt hay dòng sông Quan họ, là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Khởi nguồn từ Bắc Kạn, qua Thái Nguyên, con sông chảy về miền xuôi qua các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương.
Thượng nguồn sông Cầu bao gồm nhiều nhánh suối tạo nên, trong đó nhánh bắt nguồn từ dãy Phja Khao và dãy Tam Tao có lượng nước nhiều và đẹp hơn cả. Con sông vừa tạo cảnh quan, vừa mang lại nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Theo Vnexpress