Làm hộ chiếu lần đầu ở đâu? Có cần về nơi thường trú?
1.3K
Làm hộ chiếu lần đầu ở đâu? nếu tôi ở tỉnh khác vậy có cần về nơi cư trú để làm hay không? Hộ chiếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân
Làm hộ chiếu lần đầu ở đâu?
Theo khoản 3, 4 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thẩm quyền cấp hộ chiếu được quy định như sau:
- Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
- Trường hợp có thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
- Đặc biệt, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể lựa chọn thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:
- Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;
- Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
- Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
- Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.
Làm hộ chiếu có cần về nơi thường trú?
Như vậy, người dân nếu không thuộc 04 trường hợp đặc biệt được xin cấp hộ chiếu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thì phải xin cấp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú (có Sổ hộ khẩu) hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi tạm trú (có Sổ tạm trú).
Tuy nhiên, nếu người dân đã có thẻ Căn cước công dân sẽ được xin cấp hộ chiếu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh của bất cứ địa phương nào.
Xem thêm: Địa chỉ làm hộ chiếu tại 63 tỉnh thành mới nhất
Bởi khi đã làm căn cước công dân, các thông tin sau đây của công dân sẽ được đưa vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch;
- Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Nơi ở hiện tại; Quan hệ với chủ hộ; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;
- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích...
Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh các tỉnh có thể dễ dàng tra cứu các thông tin này để làm cơ sở tiến hành cấp hộ chiếu mà người xin cấp không cần về nơi thường trú hay tạm trú.