Căn cước công dân gắn chip là gì?
Thẻ CCCD có gắn chip điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về căn cước công dân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.
Thẻ CCCD gắn chip điện tự về mặt cơ bản cũng giống như thẻ CCCD mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch mà nó sẽ thay thế bằng chip điện tử dung lượng lớn. Thẻ CCCD gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.
Đối tượng cấp CCCD gắn chip điện tử
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND hoặc thẻ CCCD.
Ngoài ra, những ai đã có chứng minh nhân dân( 9 số và 12 số), thẻ CCCD mã vạch được đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử khi có yêu cầu hoặc khi thẻ cũ hết hạn (15 năm), bị mất, bị mờ, rách nát và có thay đổi thông tin cá nhân.
Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Đổi CCCD gắn chip cần mang theo những gì?
Căn cứ theo Điều 22 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA, thì khi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip, tùy trường hợp mà công dân cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
Trường hợp 01:
Nếu như thông tin của công dân đã có đầy đủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh gì thì sẽ sử dụng thông tin này để lập hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip.
Trường hợp này khi đi đổi thẻ CCCD thì không cần mang theo giấy tờ gì.
Trường hợp 02:
Nếu như thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì cần xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip.
Đối với trường hợp này thông thường công dân có thể mang theo sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh để đối chiếu, cập nhật thông tin.
Trường hợp 03:
Nếu như thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cần xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip.
Tương tự đối với trường hợp này thì công dân có thể mang theo sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh để đối chiếu, cập nhật thông tin.
Tuy nhiên, thông thường công dân có thể không xác định được thông tin của mình có được cập nhật đầy đủ, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay chưa cho nên khi đi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip thì công dân nên mang theo sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh (cũng có thể mang cả hai nếu có đầy đủ) để dự phòng trường hợp cần để xuất trình khi có yêu cầu.
Ở một số địa phương khi triển khai thực hiện việc cấp, cấp đổi căn cước công dân gắn chip thì cũng có thông báo cho người dân biết là cần mang theo giấy tờ gì để làm thẻ căn cước, công dân có thể căn cứ theo đó để chuẩn bị.
Thủ tục cấp CCCD gắn chip điện tử
- Thủ tục cấp CCCD gắn chip điện tử
Công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ sau để chứng minh nội dung thông tin của bản thân: CMND, CCCD còn giá trị sử dụng; Sổ hộ khẩu; nếu thông tin của công dân thay đổi thì phải có các giấy tờ hợp pháp khác (giấy khai sinh, quyết định của cơ quan tư pháp) để chứng minh.
- Trình tự cấp mới CCCD gắn chip điện tử
Bước 1: Điền vào Tờ khai Căn cước công dân
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.
Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay và in Phiếu thu nhận thông tin
Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định.
Bước 4: Trả kết quả
Lợi ích của việc sử dụng CCCD gắn chip
Thông tin cá nhân được bảo mật cao
Thẻ CCCD gắn chip điện tử được gắn 1 con chip điện tử có kích thước nhỏ giống như trên thẻ ATM. Chip điện tử sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chip có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Ngoài ra chip có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người. Khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip người dân có thể hoàn toàn yên tâm bởi thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Ngoài ra, khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip. Phương án bảo mật này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Tránh giả mạo giấy tờ
Thẻ CCCD gắn chip có mức độ bảo mật cao và được tích hợp công nghệ đặc biệt, áp dụng sinh trắc học để quản lý khiến cho việc giả mạo giấy tờ rất khó. Ngoài 1 con chip điện tử, thẻ còn kết hợp mã QR code để thuận lợi trong việc kiểm tra kiểm soát thông tin.
Mặt khác, việc xác thực danh tính có thể thực hiện “offline” mà không cần kết nối Internet tạo thuận lợi rất nhiều khi thực hiện các giao dịch, kiểm tra hay giám sát thông tin bằng các thiết bị khác.
Tích hợp được nhiều loại giấy tờ khác nhau trong thẻ căn cước công dân gắn chip
Một trong những ưu điểm lớn của thẻ CCCD gắn chip được đánh giá cao đó là thẻ có thể tích hợp được hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: giấy phép lái xe; thẻ bảo hiểm y tế; sổ BHXH; sổ hộ khẩu; tạm trú tạm vắng…
Nhờ việc tích hợp được nhiều loại giấy tờ thẻ CCCD gắn chip trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để làm mọi giao dịch.
Tạo thuận lợi khi lưu trú tại nước ngoài hay ký các hợp đồng giao dịch
Trước đây khi người dân chỉ sử dụng chứng minh nhân dân 9 số hay thẻ CCCD mã vạch, việc check thông tin tại nước ngoài hay ký hợp đồng quốc tế đều phải làm rất nhiều các thủ tục để xác nhận do trên những thẻ này chỉ in tiếng Việt.
Trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được in song ngữ, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ các thông tin cá nhân được in tiếng Anh mà công dân khi đi lưu trú tại nước ngoài, du lịch hay ký các hợp đồng quốc tế sẽ rất thuận lợi.
Như vậy, thẻ CCCD gắn chip mang đến rất nhiều cách lợi ích không chỉ cho người dân mà cho cả cơ quan quản lý. Triển khai áp dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử góp phần tích cực vào việc đổi mới cách thức quản lý hiện đại. Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin về dân cư vững vàng phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.