Đại từ là gì?
Đại từ là loại từ vựng Tiếng Việt được người nói, người viết sử dụng để xưng hô hoặc dùng để thay thế cho danh từ (cụm danh từ), tính từ (cụm tính từ), động từ (cụm động từ) để tránh lặp lại từ ngữ nhiều lần.
Đại từ còn có thể làm chủ ngữ, vị ngữ hay phụ ngữ trong câu.
Các kiểu đại từ trong Tiếng việt
Đại từ nhân xưng
Đại từ dùng để chỉ ngôi thứ, có tác dụng thay thế danh từ, có tác dụng chỉ mình hoặc người khác trong quá trình giao tiếp. Đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất dùng để chỉ người nói, ngôi thứ 2 dùng để chỉ người nghe. Ngôi thứ 3 dùng để chỉ người được ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2 nói đến trong khi giao tiếp.
Đại từ nhân xưng có ba ngôi:
Ngôi thứ nhất: Được người nói/người viết dùng để chỉ bản thân mình.
Ví dụ: Tớ, tôi, tao, ta, chúng tôi, chúng ta,…
Ngôi thứ hai: Được người nói/người viết dùng để chỉ người đối diện, đối phương trong cuộc hội thoại (người nghe)
Ví dụ: cậu, mày, các cậu, bạn, các bạn, chúng mày,…
Ngôi thứ ba: Là đối tượng được người ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai đề cập tới, người ngôi thứ ba không trực tiếp tham gia vào cuộc đối thoại.
Ví dụ: nó, chúng nó, bọn nó, hắn, bọn chúng, anh ấy, cô ấy,…
Ngoài ra, trong tiếng Việt có một số danh từ được sử dụng như đại từ xưng hô:
Đại từ xưng hô là những danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp như: thầy giáo, cô giáo, bộ trưởng, lớp trưởng, hiệu trưởng, luật sư, sếp,…
Đại từ xưng hô là danh từ chỉ quan hệ gia đình như: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em,con, cháu, cô, dì, chú, bác,…
Đại từ nghi vấn
Đại từ nghi vấn là đại từ dùng để hỏi, nghi vấn. Nội dung hỏi có thể về người, vật (ai?, cái gì?), hỏi về thời gian, nơi chốn, số lượng, tính chất của sự vật. (khi nào?, ở đâu?, bao nhiêu?, như thế nào?, ra sao?)
Đại từ thay thế
Đại từ thay thế là những đại từ dùng để thay thế các từ hoặc cụm từ trong câu để hạn chế sự lặp từ của người nói/người viết hoặc không muốn nhắc tới đối tượng một cách trực tiếp.
Đại từ thay thế được chia làm ba loại:
Loại 1: Đại từ thay thế cho danh từ:
Ví dụ: chúng tôi, bọn họ, bọn chúng, bọn nó, chúng nó, nó, chúng,…
Loại 2: Đại từ thay thế cho tính từ, động từ:
Ví dụ: như thế, như vậy, thế, vậy, thế này,…
Loại 3: Đại từ thay thế cho số từ:
Ví dụ: bao, bao nhiêu,…
Một số ví dụ về đại từ trong Tiếng việt
Ví dụ về đại từ nhân xưng:
Ví dụ 1: Chúng tôi đang trên đường đến trường vào sáng nay.
Ví dụ 2: Dì của tôi năm nay đã ngoài 40 tuổi
Ví dụ 3: Hôm qua, tôi nhìn thấy anh ấy đi ra ngoài
Ví dụ về đại từ nghi vấn
Ví dụ 1: Hôm nay, em ăn cơm chưa?
Ví dụ 2: Bao giờ bạn đi học lại?
Ví dụ 3: Có phải hôm qua tôi gặp bạn trên đường đi đến công viên phải không?
Ví dụ 4: Ai là người trực nhật hôm qua ?
Ví dụ về đại từ thay thế
Ví dụ 1: Hôm nay lớp chúng tôi trực nhật, cho nên chúng tôi đến sớm
Ví dụ 2: Hôm nay tôi và Huyền có hẹn đi xem phim, nhưng nhà cô ấy có việc bận nên không thể đi được.
Ví dụ 3: Gia đình tôi đã đặt bao nhiêu phần quà cho trẻ em trong xóm?